Thời gian gần đây, việc xây dựng tượng đài tràn lan ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước (nhiều người gọi là “hội chứng tượng đài”) với chất lượng kém đã gây nhiều bức xúc cho giới chuyên môn và những người quan tâm, nhất là việc này phải huy động lượng kinh phí không nhỏ, mà Hải Phòng không là ngoại lệ.
Dưới đây là bài viết của họa sĩ Đặng Tiến-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng-về vấn đề này. Bài viết ĐÃ ĐƯỢC TÁC GIẢ thực hiện vào năm 2012, chưa từng được công bố, nhưng vẫn mang tính thời sự, Tạp chí Mỹ thuật xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Nói không ai nghe
Quận Hải An đang chuẩn bị cho việc xây dựng tượng đài Ngô Quyền tại Từ Lương Xâm, đền thờ ông, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (khoảng 14 tỷ đồng). Nhìn mẫu phác thảo, nhiều người ngán ngẩm lắc đầu mà … xót tiền: Đó là một ông “quan võ” (tất nhiên là đeo kiếm rồi), người ngay đuỗn, chân phải bước lên, đặt trên một mô cao, tay phải chỉ thẳng phía trước (chẳng biết đang chỉ cái gì), cổ quàng khăn đang bay về phía sau. Cái thế đứng “chân nào tay nấy” yếu ớt vốn kỵ nhất trong tạo hình mà lại được tác giả đưa vào phác thảo tượng đài chân dung một danh tướng đánh thắng giặc Nam Hán hùng mạnh, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc thì thật đáng buồn. Nhìn mẫu tượng này chắc khó có ai đoán ra là Ngô Quyền, càng khó nhận ra nhân vật này có liên quan đến trận thủy chiến Bạch Đằng nổi tiếng.
Có thể vì lẽ đó, người ta mới định đặt tượng đài này tại đền thờ ông (chắc sau này sẽ “chú thích” thêm tên ông ở dưới bục thì mọi người sẽ rõ!) Một mẫu tượng quá vụng về nghề, từ tạo hình đến ngôn ngữ điêu khắc-vậy mà vẫn được “Hội đồng nghệ thuật thành phố” thông qua! Người viết đã hỏi chuyện hai họa sĩ trong “Hội đồng” này, các ông đều thừa nhận mẫu tượng đài xấu. Nhưng hỏi: “Thấy xấu sao các vị không có ý kiến?” -thì một họa sĩ bức xúc cho biết: “Có góp ý cũng không ăn thua. Lần trước, tôi có góp ý về bàn tay cầm bút của tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, nhưng người ta có thèm sửa đâu!” Ra vậy, tưởng “Hội đồng nghệ thuật” mù mờ cả, hóa ra cũng có người biết, có điều, nói nhưng người ta không nghe mà thôi!…
Trong khoảng mười năm trở lại đây, Hải Phòng có một số tượng đài mới được xây dựng như Nữ tướng Lê Chân (ở phía trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Hải Phòng), Nguyễn Bỉnh Khiêm (tại khuôn viên Thư viện thành phố và Khu di tích Trạng Trình tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo). Ngoài ra, có một số tượng đài đang được chuẩn bị xây dựng. Mặc dù tượng đài Nữ tướng Lê Chân (đúc bằng đồng, trong đổ bê tông) được xem là khá nhất về tạo hình, không gian và vị trí, nhưng vẫn còn khiếm khuyết về tư thế nhân vật, nhất là thế đứng. Lê Chân là một võ tướng, thế đứng lẽ ra phải vững chãi, khỏe khoắn đặc trưng nhất của “con nhà võ” (thường là hai bàn chân vuông góc với nhau tạo sự vững chắc và thuận lợi khi di chuyển thân pháp như cách di chuyển của các vai võ tướng trong các vở tuồng cổ), nhưng ở tượng đài này, nhân vật đứng một chân trước một chân sau, hai bàn chân đặt song song với nhau. Thực tế, người bình thường cũng không mấy khi đứng như vậy chứ đừng nói “con nhà võ”. Cố họa sĩ Mạnh Cường (đồng tác giả tượng đài) khi còn sống, đã thừa nhận điều đó.
Hai tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm thì từa tựa như các tượng “quan văn” được xây dựng ở nhiều địa phương khác, nghĩa là một tay cầm bút lông, tay kia cầm cuộn giấy (tượng đặt tại Vĩnh Bảo). Còn pho tượng đặt tại Thư viện thành phố thì đã có chút thay đổi: thay vì cầm cuộn giấy thì cụ Trạng đang bấm độn (theo sử sách, Trạng Trình giỏi về lý số). Cả hai pho tượng đều bị cho là dễ dãi về cách thể hiện. Một nhà nho mà tay cầm bút lông như cách cầm bút bi, bút máy thời nay thì quả thực tác giả… quá liều! Thời xưa, học trò cầm bút kiểu ấy chắc bị thầy cho mấy roi rồi đuổi về chứ đừng nói đây là Trạng Trình thông tuệ có hàng trăm học trò uyên bác nổi tiếng đất nước. Ở nơi cửu tuyền, cụ Trạng biết chuyện này chắc… buồn rơi nước mắt! Tuy nhiên, buồn về trình độ, năng lực của tác giả thì ít mà buồn về Hội đồng xét duyệt thì nhiều. Được biết, những tượng đài này đều đã được “Hội đồng nghệ thuật thành phố” thẩm định (!?) Ngoài những khiếm khuyết kể trên, còn thấy buồn cười một điều, nếu nhìn cả ba pho tượng Trạng Trình (hai tượng đài và một tượng thờ ở trong đền thờ) thì thấy chẳng giống nhau tẹo nào.
Lẫn lộn giữa tượng đài và tượng thờ
Điều lạ là các “tượng đài” kể trên đều được “hô thần nhập tượng”, tức là có sự lẫn lộn giữa tượng đài và tượng thờ. Tượng đài là tác phẩm điêu khắc mang tính hoành tráng được đặt tại địa điểm độc lập, trong một không gian văn hóa, mà không gian, địa điểm ấy bảo đảm tôn lên cao nhất giá trị nghệ thuật, ý nghĩa của nó nhằm ca ngợi, tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa, các danh nhân, anh hùng dân tộc hoặc ghi nhớ, nhắc nhở một sự kiện, một chiến thắng nào đó… Không gian ấy với những chi tiết của cảnh quan, kiến trúc, tạo hình… tạo thành một quần thể văn hóa-nghệ thuật thống nhất. Cách thể hiện và bố cục tượng đài cũng đa dạng (chân thực, cách điệu, tượng trưng…). Đây là loại hình nghệ thuật được du nhập từ châu Âu, nhưng mới nở rộ ở Việt Nam những năm gần đây. Cũng chính vì vậy, nhiều người nhận xét rằng, trong tất cả các tượng đài đã xây dựng, khó tìm thấy tượng nào mang đậm tính dân tộc hoặc hiện đại. Trong khi đó, tượng thờ thường là tượng một cá nhân (anh hùng dân tộc, danh nhân, thần thánh…) không nhất thiết phải lớn, được đặt trong các đền, chùa, miếu, nhà thờ… Tượng thờ, sau khi làm xong, người ta tổ chức lễ “hô thần nhập tượng”, tạo sự linh thiêng cho bức tượng ấy theo nghi lễ tín ngưỡng.
Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác gần đây khánh thành một số tượng đài danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc như đã nêu, nhưng lại tổ chức nghi lễ “hô thần nhập tượng”. Đây là điều không phù hợp, chứng tỏ nhiều người chưa phân biệt được khái niệm tượng đài và tượng thờ (?)
Cần cân nhắc việc xây tượng đài
Quay trở lại với dự án tượng đài Ngô Quyền. Dư luận băn khoăn: đã có đền thờ rồi, còn làm thêm tượng đài đặt cạnh làm gì? Vừa lãng phí, vừa làm hỏng quần thể thống nhất mang tính truyền thống của ngôi đền- một di tích lịch sử văn hóa đã tồn tại nhiều trăm năm nay. Cái không gian văn hóa “tân cổ giao duyên” ấy rõ ràng không thích ứng với truyền thống thờ cúng của ông cha ta. Và như thế rõ ràng là một sự “liều lĩnh” nữa của những người làm tượng đài. Chúng ta đã từng phải phá bỏ những tượng đài chưa đẹp, chưa phù hợp để mong có những công trình văn hóa đẹp hơn. Những trường hợp như thế không nên để lặp lại bởi số tiền bỏ vào đó là rất lớn. Hơn nữa, những tượng danh nhân đã được “hô thần nhập tượng” cũng khó có ai dám đập, mà để thì chỉ thấy buồn chứ đừng nói là tự hào.
Đất nước ta còn nhiều khó khăn, lại vừa chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đảng, Chính phủ và thành phố Hải Phòng đang thực hiện quyết sách thực hành tiết kiệm, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội, chống lãng phí, trong đó có chủ trương giãn, hoãn những công trình chưa cần thiết. Nguồn tiền nào, dù là ngân sách thành phố hay xã hội hóa, cũng đều là của dân. Sẽ rất có lỗi khi bỏ số tiền lớn để làm những tượng đài kém chất lượng. Trong điều kiện hiện nay, với số tiền định làm tượng đài Ngô Quyền, quận Hải An, một quận mới được thành lập từ một số xã ngoại thành, nên đầu tư trùng tu những đền, đình thờ ông (trên địa bàn quận có khá nhiều), hoặc sử dụng vào việc nâng cấp hạ tầng đô thị mà quận đang rất cần, như vậy mới thật sự chống lãng phí và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Còn việc xây dựng tượng đài ở Hải Phòng, cần được quy hoạch cụ thể gắn với quy hoạch phát triển chung không gian đô thị thành phố (cần xây dựng tượng đài nào, với không gian, địa điểm phù hợp) chứ không phải thích là làm, thích là vận động nhân dân đóng góp. Như vậy mới bảo đảm phát huy ý nghĩa của các tượng đài, góp phần làm tăng giá trị văn hóa của không gian đô thị Hải Phòng. Chẳng hạn: dòng sông Bạch Đằng đi vào lịch sử dân tộc với ba trận thắng oanh liệt (Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, Lê Hoàn phá quân Tống và Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông). Nếu như thấy cần thiết, ngay bờ sông Bạch Đằng, thành phố có thể quy hoạch một địa điểm nào đó thích hợp để xây một tượng đài chiến thắng. Tượng đài ấy không nhất thiết phải là Ngô Quyền, Lê Hoàn hay Trần Hưng Đạo mà có thể lấy chính hình tượng cọc gỗ Bạch Đằng để thể hiện, kèm theo đó là phù điêu diễn tả trận chiến trên sông, một bia đá (hoặc đồng) khắc chữ, ghi tóm tắt các trận thắng…
Để thực hiện những công trình như vậy, thành phố cần tổ chức những cuộc hội thảo, trong đó có sự tham gia của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín để xác định địa điểm, tìm kiếm những thông tin, tư liệu lịch sử, để có được sự tham mưu chuẩn xác. Đặc biệt, cần mời những nhà điêu khắc có tên tuổi, uy tín về nghề nghiệp tham gia sáng tác mẫu cũng như một Hội đồng nghệ thuật có năng lực thực sự. Có như vậy mới mong có được một tượng đài theo đúng nghĩa của tượng đài.
Đặng Tiến