Đề tài “con giống” thực ra xuất phát từ một ghi chép của Nguyễn Tư Nghiêm trước bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục, Đông Triều, Quảng Ninh, những năm 1955-1956. Như vậy, ôngđã bắt đầu vẽ con giống đầu tiên từ con mèo, và bởi vậy, con giống thứ hai mà ông vẽ rất có thể là con chuột. Trong số 12 con vật trên hoàng đạo, có lẽ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ rồng nhiều nhất, sau đến dê, chó, gà, ngựa, hổ, mèo, ít hơn là lợn, khỉ, chuột, rắn, mà trâu là ít nhất.
Theo như Nguyễn Tư Nghiêm nói, chỉ sau cuộc triển lãm tranh con giống của ông vào năm 1988 (Mậu Thìn), ông mới có ý thức rõ rệt về “lục thập hoa giáp” và bắt đầu đưa các con giống vào một hệ thống liên hoàn, vẽ năm nào thì lấy con vật năm ấy làm chủ, và đặt nó ở vị trí trung tâm bức tranh, chẳng hạn như bức “Bính Tý 1996” ở đây.
Riêng vẽ chuột, về mặt tạo hình, Nguyễn Tư Nghiêm có cách xử lý rất hay, ông thường phối hợp cả nét dương lẫn nét âm, như để thể hiện tính cách “chui lủi” của chúng, và vì hình của chúng nhỏ, lại ít đặc tính hấp dẫn, nên ông cũng hay đưa vào bố cục những đường thẳng giống như nguyên lý liên kết tạo sự nổi bật bằng các trực tuyến dài trong kiến trúc và hội họa hiện đại.
Từ học thuyết Đông Y, đặc biệt qua các cuốn sách của Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Tư Nghiêm cũng đã tìm ra màu bản thân ( không phải màu vật chất) của con chuột, giống như con lợn, là màu đen, tượng trưng cho khí lạnh, mùa đông, khác với hổ mèo màu xanh tượng trưng cho mộc khí, hoặc rắn đỏ, dê vàng, khỉ trắng, vân vân.
Nếu người ta thường cho rằng có một số con vật vẽ rất khó, trong đó có chuột, thì bằng tài năng siêu việt của mình, với Nguyễn Tư Nghiêm thì không có gì là không có thể. Cho dù vẽ chuột không nhiều lắm, nhưng có thể nói, tranh chuột của Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là mảng tranh đẹp và sống động bậc nhất trong các mảng tranh vẽ các con vật khác của ông.
Hà Thái Hà