Người bạn đó là Nhà Phê bình Mỹ thuật Trần Thức (tên đầy đủ là Trần Trí Thức). Sau này khi tham gia văn đàn, các cuộc hội thảo từ những năm 1960, anh đã lấy tên là Trần Thức (cho nó khiêm tốn hơn, anh đã tự bạch như vậy sau này).
Tôi biết anh Trần Thức năm 1964 khi về làm việc tại Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, anh về Viện trước tôi hai năm – 1962 đó là quãng thời gian họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung tiến hành xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong cái bộn bề của công việc lại đón nhận những sinh viên mới ra trường như chúng tôi anh đã trở thành đầu tàu của công việc vì anh là người lớn tuổi nhất trong phòng nghiên cứu một phòng chuyên môn quan trọng trong sưu tầm hiện vật, tư liệu và dịch thuật.
Ở trong tổ nghiên cứu cổ đại anh rất tháo vát trong các cuộc thương thảo với các già làng địa phương để có thể xin những pho tượng cổ, gốm cổ về bảo tàng.
Tuy ở trong tổ cổ đại anh lại kết thân với nhóm dịch thuật với các bạn cùng trang lứa Thái Bá Vân, Nguyễn Đỗ Hải, Từ Chi và bước đầu tìm ra được ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây vào Việt Nam đầu thế kỷ 20 như thế nào qua Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Thời gian này tôi được phân việc đi chép tài liệu ở hai thư viện Quốc gia và Khoa học. Đó là hai thư viện lớn nhất ở Hà Nội. Chép tư liệu trên các báo chí giai đoạn 1930-45 liên quan đến mỹ thuật như báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Phong Hóa, Indochine, Volonté Indochinoise… mệt mỏi vô cùng, nhất là báo chí tiếng Pháp tôi không rành rõ lắm. Anh Thức động viên tôi: “Phần tiếng Pháp em cứ “nhè” chỗ nào có chữ Beaux – Art thì chép vào rồi các anh hiệu đính cho”.
Cẩn thận như vậy nhưng khoảng năm 1968-1969 anh lại bị chuyển sang Tổ Hiện đại với một lý do rất đơn giản nhẹ nhàng. Tôi còn nhớ như in sự kiện này.
Hội đồng nghệ thuật họp duyệt mấy đồ gốm Lý Trần mượn của Bảo tàng Lịch sử về trưng bày. Tất nhiên việc này giao anh Thức làm hồ sơ hiện vật. Động tác anh Thức dùng tay xòe ra đo kích thước một bình gốm Lý. “Nghiên cứu khoa học không thể tự nhiên như thế được”. Bác Cung phê bình.
Và cũng từ buổi họp đó, chân dung một nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại với những công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm hội thảo những vấn đề lớn trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời hiện đại được hình thành đến tận cuối cuối đời: Trần Thức.
Con người đó không lớn tiếng gay gắt, độc lập với các ý kiến đồng nghiệp trong các cuộc hội thảo của Hội Mỹ thuật những năm 80 có những chuyển biến về phê bình mỹ thuật. Nhà Phê bình Thái Bá Vân với bản tham luận mang cái tên khá dài “Hiện thực không phải là các ta nhìn thấy bằng con mắt mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng”, mọi người phản đối ầm ầm nhưng Trần Thức nhẹ nhàng lên tham luận, ông nói “Nhưng ngược thời gian vào thời cận đại, Tô Ngọc Vân đã phát biểu “cái đẹp trong tranh không là cái đẹp ngoài đời”.
Sau này, Thái Bá Vân – Trần Thức còn nhớ đến một câu nói của Picasso: “Tôi không tìm nhưng tôi thấy” khi hai ông gật gù với nhau ở một quán café quen thuộc.
Sau đóng góp của Trần Thức và nhóm cổ đại Bảo tàng Mỹ thuật mang được tượng Quan Âm chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) về bảo tàng một tác phẩm đẹp nhất của thế kỷ 16 thời Mạc (hiện nay là Bảo vật Quốc gia). Trần Thức còn tham gia nhiều cuộc đi triển lãm lưu động ở các thời điểm, địa điểm xa như Hà Giang, Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1978, nhóm cổ đại tổ chức trưng bày chuyên đề tượng cổ – điêu khắc cổ Việt Nam, nhóm hiện đại sưu tầm tranh của các họa sĩ Sài Gòn xưa và đặc biệt đã chuyển bức bình phong 2 mặt của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là “Thiếu nữ trong vườn” và “Phong cảnh” trên chất liệu sơn mài về Bảo tàng Mỹ thuật (hiện nay là Bảo vật Quốc gia).
Cuộc đi này anh Trần Thức đã tham gia cả hai chương trình triển lãm cổ vật và sưu tầm tranh hiện đại. Đó cũng là đợt đi dài ngày và quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh tại Sài Gòn năm 1978.
Những công trình nghiên cứu của anh đầy ắp sự kiện biến động xã hội song hành phong cách nghệ sĩ. Nhờ quảng giao với các nghệ sĩ gạo cội của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, anh hội tụ được tài năng phong cách của bốn tài năng Nghiêm – Liên – Sáng Phái. Cách tiếp cận bạn bè bình đẳng vui vẻ trong ngôn ngữ bình dân chất phác không điệu đà, làm dáng đã giúp anh có nhiều bạn, nhiều suy cảm về thời thế, nhân sinh.
Trong ký ức tôi luôn giữ hình ảnh những người bạn trong tổ nghiên cứu tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật đã bên nhau gần nửa thế kỷ, vui buồn trong những chuyến đi công tác thời bao cấp chiến tranh bom đạn nhưng không vắng nụ cười hiền hậu của anh Từ Chi, Nguyễn Đỗ Hải, Thái Bá Vân và giờ đây họ đón bạn Trần Thức để đủ một cỗ café quen thuộc thủa nào của một thời Hà Nội…
Tháng 9 năm 2021
Nguyễn Hải Yến