Tin Mỹ thuật Việt Nam và Thế giới tháng 1-2/2021

 

 

 

Triển lãm “Chung bước quân hành” của Câu lạc bộ sáng tác đề tài cách mạng và bảo vệ tổ quốc

Kỷ niệm 76 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2020), các họa sĩ thuộc Câu lạc bộ sáng tác đề tài Cách mạng và Bảo vệ Tổ quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn nối tiếp truyền thống hướng theo lời Bác “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy…”. Đội ngũ nghệ sĩ tạo hình luôn “Chung bước quân hành” với các lực lượng vũ trang, tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm đẹp, góp phần cổ vũ đồng bào chiến sĩ cả nước. Triển lãm giới thiệu 76 tác phẩm của 76 họa sĩ bằng các chất liệu sơn dầu, lụa, sơn mài hay khắc gỗ… mang một màu sắc cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều chung một mảng đề tài về cách mạng. Chính điều đó đã tạo nên một không gian với những trang sử hào hùng, vẻ vang, chói lọi của đất nước để công chúng cùng nhau thưởng lãm. Triển lãm diễn ra từ ngày 21/12/2020 đến hết ngày 30/12/2020 tại tầng 2 của Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền.

P.V.

 

Triển lãm “Sắc lụa 2” của họa sĩ Đỗ Hương

 

Triển lãm mang tên “Sắc lụa 2” của hoạ sĩ Đỗ Hương khai mạc vào ngày 1/1/2021 tại không gian trưng bày tầng 2 của Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 41 tác phẩm chất liệu lụa của họa sĩ Đỗ Hương. Đây là những sáng tác mới nhất của họa sĩ trong vài năm trở lại đây. Vẫn là những đề tài quen thuộc đã được họa sĩ Đỗ Hương thể hiện mềm mại nhưng điêu luyện trên nền lụa mỏng manh, gây ấn tượng cho người xem. Ngày khai mạc triển lãm có sự tham dự của nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh – Phó chủ tịch thường trực HMTVN, hoạ sĩ Bằng Lâm – nguyên Phó chủ tịch thường trực HMTVN, hoạ sĩ Ngân Chài – Phó ban kiểm tra HMTVN… cùng đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, hoạ sĩ và các khán giả yêu thích nghệ thuật cùng tham dự. Triển lãm được trưng bày trong 10 ngày kể từ ngày 1/1/2021 đến ngày 10/1/2021.

P.V.

Triển lãm “Đa điểm”

Từ ngày 1/1 đến ngày 10/1/2021, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền đã diễn ra triển lãm “Đa điểm”. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của nhóm gồm 5 họa sĩ: Nguyễn Tiến Ngọc, Nguyễn Thọ Hiếu, Phạm Ngọc Vũ, Phạm Văn Hải, Kiều Trung Hiếu. Một phòng triển lãm tranh nhỏ xinh nhưng quy tụ 5 cá tính, 5 phong cách sáng tác khác nhau, và một điều nổi bật ta có thể bắt gặp ở “Đa Điểm” là hương vị hoài cổ đầy màu sắc, gợi lên một sự ấm áp nhẹ nhàng như không khí của những ngày Tết cận kề. 30 tác phẩm của 5 họa sĩ được vẽ từ nhiều chất liệu khác nhau từ: sơn mài, sơn dầu, acrylic trên giấy, đến đồ họa truyền thống… tất cả đều hướng đến sự biểu đạt phong phú về chủ đề tĩnh vật, con người…

P.V.

TRIỂN LÃM “MƠ VỀ PHONG CẢNH” TẠI MƠ ART SPACE

Mơ Art Space ra mắt buổi trưng bày không gian nghệ thuật mới tại Hà Nội vào tháng 12/2020. Mơ Art Space (tiền thân là Apricot Gallery) hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển cho nền văn hoá nghệ thuật đương đại nói chung và các nghệ sĩ Việt Nam nói riêng. Với “Mơ về phong cảnh”, Mơ Art Space mang đến 27 tác phẩm của 22 nghệ sĩ Việt Nam cả trong và ngoài nước. Những tác phẩm được thực hiện ở nhiều thời điểm và không gian khác nhau với những góc nhìn và câu chuyện riêng mang đến một cái nhìn toàn cảnh về tranh phong cảnh, một dòng tranh vốn đã có lịch sử lâu đời ở cả lịch sử nghệ thuật phương Tây và phương Đông. Các tác phẩm của những nghệ sĩ bậc thầy trong nền hội họa Việt Nam được trưng bày bên cạnh tác phẩm của các nghệ sĩ đương thời nhằm mở ra một cái nhìn đa chiều về chủ đề này cũng như tạo nên những đối thoại, gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Triển lãm diễn ra từ ngày 19/12/2020 đến 23/1/2021.

P.V.

Triển lãm “ĐÔNG”

“Đông” là triển lãm của nhóm 5 nghệ sĩ: Vương Linh, Đoàn Xuân Tùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Hán Anh, Phạm Duy Quỳnh. Triển lãm gồm 39 tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau. Chúng ta sẽ bắt gặp ở triển lãm những bức tranh với nhiều đề tài rất thú vị như: phong cảnh nhà cửa phố xá của họa sĩ Hán Anh, tĩnh vật của họa sĩ Hoa Quỳnh, hay những con đường rợp bóng cây của họa sĩ Vương Linh, những bức chân dung cô Tiên của Đoàn Tùng, điêu khắc những con vật của Mạnh Hùng. Tất cả đều được các nghệ sĩ thể hiện thật mềm mại, thật tình cảm dưới nét cọ tinh tế, gam màu trang nhã, đường nét bay bổng, nhẹ nhàng. 5 con người ấy với 5 bản ngã, cá tính và phong cách sáng tác khác nhau, đã làm nên một triển lãm “Đông” thật đặc biệt. Triển lãm “Đông” trưng bày từ 10/12/2020 đến hết 20/12/2020 tại tầng 1 Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

P.V.

 

TRIỂN LÃM “TÁI TƯỞNG TƯỢNG VIỆT NAM – VIETNAM RELMAGINED”

Tại Viện Goethe Hà Nội, từ 21/12 đến 30/12/2020, đã diễn ra triển lãm “Tái tưởng tượng Việt Nam” – Vietnam Reimagined. Đây là triển lãm đầu tiên về tranh minh họa tại Hà Nội, quy tụ 30 tác phẩm xuất sắc của 27 nghệ sĩ trẻ trong thử thách vẽ minh họa lần thứ 7 của Vietnam Local Artists Group với chủ đề “Tái tưởng tượng Việt Nam”. Trong vỏn vẹn 4 tuần, thử thách Vietnam Reimagined đã đạt kỷ lục nhận được gần 300 tác phẩm của hơn 230 nghệ sĩ trẻ đang sinh sống trong và ngoài nước. Những tác phẩm trưng bày trong triển lãm đa phần được vẽ kỹ thuật số (digital painting). Triển lãm mang tới cho công chúng đam mê nghệ thuật, tò mò về tranh minh họa hoặc hứng thú với digital painting một trải nghiệm mới mẻ qua những lăng kính hiện đại, trẻ trung.

P.V.

 

TRIỂN LÃM “NGUYỄN LINH 4”

 

Từ 10/12 đến 20/12/2020 tại Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Mỹ thuật – Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra triển lãm cá nhân lần thứ 4 của hoạ sĩ Nguyễn Linh. Triển lãm “Nguyễn Linh 4” trưng bày khoảng 40 bức tranh được sáng tác trong vòng một năm vừa qua và một số bức tranh thuộc giai đoạn đầu của sự nghiệp, ngõ hầu mang lại cho người xem một cảm nhận về những thay đổi trong tiến trình phát triển nghệ thuật hội họa của cá nhân. Đến với hội họa hơn nửa thế kỷ, dù đã theo đuổi nhiều niềm đam mê khác nhau, tuy nhiên hội hoạ vẫn là nỗi đắm say lớn chưa từng vơi cạn của Nguyễn Linh, được ông gửi gắm nhiều hoài bão, khát khao nhất. Không tự giới hạn về chất liệu, chủ đề, ý niệm, với bút pháp thiên về biểu hiện, đặc biệt là lối dùng nét phóng khoáng và biểu cảm, đến thời điểm này, hội hoạ của Nguyễn Linh cho thấy một diện mạo độc đáo và giàu sức sáng tạo trong khung cảnh mỹ thuật đương đại Việt.

 

P.V.

 

TRIỂN LÃM  “MỘC 5”

Triển lãm tranh “Mộc” là hoạt động định kỳ hàng năm của nhóm 6 hoạ sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Lưu Bảo Trung, Đinh Minh Đông, Trương Văn Ngọc, Bình Đỗ và Dương Ngô tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội từ ngày 23/12 đến 28/12/2020. Khởi xướng từ năm 2017 nhóm đã thực hiện 4 cuộc triển lãm của các hoạ sĩ nhóm “Mộc” và một số khách mời. Ở lần thứ 5 này nhóm vẫn tiếp tục với những đề tài giản dị, quen thuộc như cỏ cây hoa lá, thiên nhiên, con người, mang hơi thở cuộc sống, chân thành, giản dị như tính cách và phong cách nghệ thuật của các thành viên. Với “Mộc 5”, anh em nhà Mộc mong muốn tiếp tục giới thiệu đến bạn bè đồng nghiệp và người yêu nghệ thuật những sáng tác mới đa dạng về chất liệu, phong phú, nhiều màu sắc để cảm nhận sự lắng đọng của không gian và thời gian ấm áp trong những ngày cuối năm.

P.V.

TRIỂN LÃM “HỎI” TẠI VCCA

Triển lãm “HỎI” của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ra mắt khán giả với 45 tác phẩm thuộc nhiều hình thức đa dạng từ hội hoạ, điêu khắc tới sắp đặt từ ngày 18/12/2020 đến 28/2/2021. Triển lãm do hoạ sĩ Lê Thiết Cương giám tuyển với sự góp mặt của 9 nghệ sĩ đang sống và làm việc tại Hà Nội và TP. HCM, bao gồm: Trần Văn An, Quách Bắc, Ngô Đình Bảo Châu, Nguyễn Trần Cường, Đỗ Hiệp, Trịnh Cẩm Nhi, Thái Nhật Minh, Vũ Bình Minh, Lương Văn Việt. “HỎI” khởi sinh những câu hỏi mang tính bản nguyên nhất từ nghệ thuật: Hội hoạ là gì? Điêu khắc là gì? Sắp đặt là gì? Nghệ thuật là gì? Những câu hỏi từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim mà người nghệ sĩ mang “sứ mệnh” giải đáp bằng cách “cá nhân hoá hiện thực”. Mỗi hiện thực được “hỏi” và được “trả lời” bằng những cách khác nhau. Với tư duy nghệ thuật độc đáo, mỗi nghệ sĩ khám phá những khả năng mới của hội họa, điêu khắc, sắp đặt thông qua việc thử nghiệm các phương thức tạo hình phi truyền thống sử dụng đường nét, màu sắc, hình khối, chất liệu đầy phá cách.

P.V.

 

TRIỂN LÃM “LẠC BƯỚC VÀO KHÔNG GIAN KIÊN”

Từ 1/1 đến 7/1/2021, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra triển lãm “Lạc bước vào không gian Kiên” của họa sĩ Phạm Kiên. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên giới thiệu 18 tác phẩm được sáng tác trong năm 2020, thuộc thể loại trừu tượng, trong đó có 11 bức tranh khổ lớn và tranh ghép bộ. Các tác phẩm xoay quanh chủ đề về cấu trúc và sự chuyển động, biến đổi của các chiều không gian khác nhau, của thiên nhiên và môi trường sống. Họa sĩ chia sẻ: “Giai đoạn đầu, tôi tập trung nghiên cứu và xây dựng các cấu trúc cố định do bản thân tạo ra. Sau đó, tôi có thay đổi, chuyển sang hướng nghiên cứu sự chuyển động theo góp ý, nhận xét của những người đi trước. Trên cơ sở các bức tranh đã vẽ, tôi lựa chọn một số tác phẩm để vẽ tiếp và tạm gọi nó là xu hướng phá vỡ cấu trúc. Những tác phẩm mới được hình thành, tôi nhận thấy sáng tác của mình mạnh mẽ hơn, thanh thoát hơn, không bị lệ thuộc vào các hình thể cấu trúc do bản thân tạo ra vào giai đoạn sáng tác ban đầu”.

P.V.

 

PHÒNG TRANH NGHỆ THUẬT GAGOSIAN GIỚI THIỆU TRIỂN LÃM NHỮNG TÁC PHẨM CỦA GERHARD RICHTER’S TẠI LOS ANGELES VÀ NEW YORK
Phòng tranh Nghệ thuật Gagosian giới thiệu triển lãm những tác phẩm của Gerhard Richter’s tại Los Angeles và New York từ ngày 3/12/2020 đến 3/4/2021. Triển lãm bao gồm những bức tranh của triển lãm “Gerhard Richter – Đằng sau hội họa”  từng được trưng bày tại Bảo tàng Metropolitan đầu năm 2020, cộng thêm 8 bức tranh được họa sĩ sáng tác trong mùa hè vừa rồi. Larry Gagosian, Giám đốc phòng tranh nhận xét: “Tôi rất vui khi có cơ hội trưng bày những bức tranh nổi tiếng của Gerhard Richter ở Los Angeles và New York. Được giới thiệu bộ sưu tập quan trọng này bên cạnh những bức tranh mới sáng tác là một vinh dự lớn đối với tôi ”. Gerhard Richter (sinh 1932) là một nghệ sĩ thị giác người Đức. Ông nổi tiếng với những tác phẩm tranh trừu tượng, vẽ ảnh và sử dụng vết mờ, và điêu khắc thủy tinh. Gerhard Richter được nhiều người đánh giá là một trong những nghệ sĩ Đức đương đại quan trọng nhất và một số tác phẩm của ông đã đạt giá kỷ lục khi đấu giá.
P.V.
TRIỂN LÃM CÁC TÁC PHẨM CỦA AUBREY BEARDSLEY TẠI BẢO TÀNG ORSAY
Nghệ sĩ vẽ tranh minh họa Aubrey Beardsley (1872-1898) qua đời ở tuổi 25, ngay khi tên tuổi của ông đang trở nên nổi tiếng. Các tác phẩm của nghệ sĩ sung mãn này thời ấy được phổ biến rộng rãi, ông đã trở thành một tên tuổi hàng đầu ở London những năm 1890. Triển lãm này là cuộc trưng bày chuyên đề đầu tiên ở Pháp về Aubrey Beardsley. Đây thậm chí còn là cuộc triển lãm lớn đầu tiên về Aubrey Beardsley ở châu Âu kể từ một cuộc triển lãm diễn ra vào năm 1966 tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London. Những bức tranh minh họa mà Aubrey Beardsley vẽ cho Oscar Wilde’s Salomé là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của ông. Những minh họa đen trắng Aubrey Beardsley thể hiện một thế giới kỳ lạ, rất táo bạo, gợi tình, phi chính thống. Nhà phê bình Max Beerbohm thậm chí còn gọi thập niên 1890 của London là “Thời kỳ Beardsley”.  Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của Aubrey Beardsley, từ những tác phẩm đầu tiên của ông được ra mắt năm 1891 đến những bức chân dung cuối cùng của ông vào năm 1898. Triển lãm diễn ra từ ngày 13/10/2020 đến 10/1/2021 tại Bảo tàng Orsay, Pháp.
P.V.
NHÀ ĐẤU GIÁ NGHỆ THUẬT SOTHEBY’S CÔNG BỐ DOANH THU SƠ BỘ NĂM 2020
Sotheby’s đã công bố bảng thống kê doanh thu bán hàng sơ bộ năm 2020, một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong năm vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp đấu giá phải thích nghi với việc đóng cửa các phiên đấu giá trực tiếp và tổ chức, phát huy, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến. Sotheby’s tuyên bố doanh số đấu giá đạt 3,5 tỷ USD, nhờ vào các mùa đấu giá cao điểm trong năm 2020. Đây là mức giảm đáng kể: 27% so với tổng doanh thu đấu giá của năm 2019 là 4,8 tỷ USD. Nhưng xét đến những khó khăn, gián đoạn mà ngành phải đối mặt, đây vẫn là một con số đáng mừng, dấu hiệu cho thấy thị trường đấu giá nghệ thuật vẫn chưa bị suy thoái nặng nề. Kết quả này rất đáng khích lệ đối với một công ty luôn năng động và đầy khả năng đổi mới như Sotheby’s. Ngoài 3,5 tỷ USD doanh thu bán đấu giá trên, Sotheby’s còn ghi nhận thêm 1,5 tỷ USD doanh thu bán hàng tư nhân, nâng tổng doanh thu năm 2020 lên 5 tỷ USD. Tổng doanh thu bán hàng của Sotheby’s năm 2020 cũng phản ánh sự phát triển của công ty trong việc kinh doanh ở thị trường châu Á. Doanh số bán đấu giá trong khu vực châu Á đạt 932 triệu USD. Trên toàn thế giới, doanh thu của Sotheby’s từ các nhà sưu tập châu Á chiếm 30% . Sotheby’s cho biết “số lượng khách hàng châu Á đặt giá thầu trực tuyến đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, tăng hơn gấp đôi vào năm 2020”.
P.V.