Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

 

Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraina, bằng Tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.

Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Năm 2019, Thủy Nguyễn là một trong “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” do tạp chí Forber Việt Nam bình chọn. Thủy Nguyễn bây giờ đã là một nữ nghệ sĩ thành đạt, người truyền cảm hứng trong xã hội. Ngày trước cô bé Tia-Thủy Nguyễn có bao giờ nghĩ sẽ có ngày như thế này không nhỉ? Cơ duyên nào dẫn dắt Tia-Thủy Nguyễn đến với nghệ thuật?

Tia-Thủy Nguyễn (T.TN): Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi đang học lớp 10-11, tất cả bạn bè đều bắt đầu chọn trường đại học. Trong khi đó, tôi vẫn chưa biết là mình thực sự muốn gì. Tôi rất thích vẽ linh tinh, một cách bản năng. Chính tôi cũng không để ý và không xem trọng khả năng sáng tạo đó. Khi ấy, một người bạn khá thân của tôi muốn thi vào kiến trúc nên hay đi học vẽ luyện thi, thế là tôi đi theo học vẽ vài buổi và nhận ra đam mê của mình, nhưng tôi lại không thích vẽ theo đường lối kiến trúc. Tôi về nói chuyện với ba tôi, chính ba là người đầu tiên định hướng cho tôi vào Trường Đại học Mỹ thuật. Ba cũng là người xe duyên cho tôi học những môn thủ công, nữ công gia chánh từ bé. Đến bây giờ, tất cả những ký ức và kỹ năng từ thuở ấu thơ đó vẫn còn được vận dụng vào công việc sáng tạo hàng ngày của tôi.

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn (người bên trái) và nhà báo Hoàng Anh

 

Tia-Thủy Nguyễn bên cạnh chân dung tự họa.

TCMT: Những năm 2000 khi Thủy Nguyễn học ở Trường Mỹ thuật thì môi trường học tập có kích thích sự đam mê nhiều không? Một sinh viên rực cháy đam mê nghệ thuật như Thủy Nguyễn e rằng khó với sự học thụ động?

T.TN: Tôi thi đến lần thứ tư thì mới vào được Trường Yết Kiêu (tức Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Khi mới vào thì mình rất đam mê, nhưng không hiểu sao sau một thời gian thì cảm thấy “tắt lửa”. Có lẽ lúc đó tôi chưa được truyền cảm hứng nên chưa thấy yêu nghề, hoặc do mình thụ động, lười biếng. Điều rõ rệt nhất tôi nhận thấy đó là sự thiếu kết nối với cộng đồng nghệ thuật quốc tế, thiếu một môi trường để sinh viên học nghệ thuật phát triển bên ngoài nhà trường. Mỗi ngày cứ đi học, rồi chờ ngày tốt nghiệp thôi. May mắn sao, năm 2006 tôi nhận được học bổng đi học tiếp thạc sĩ tại Ukraina; tôi quyết định đi để thay đổi môi trường và thử thách bản thân mình.

TCMT: Uầy uầy, như chim sổ lồng nhé. Sang Ukraina, được tiếp cận một chương trình, môi trường giáo dục nghệ thuật mới, Thủy Nguyễn có nhận thấy sự khác biệt rõ rệt không?

T.TN: Về căn bản, kỹ thuật thì không khác nhau nhiều, nhưng có sự khác biệt rõ rệt về mối quan hệ thầy-trò trong cách giảng dạy. Ở Hà Nội, trong Trường Yết Kiêu, một lớp có 20 đến 25 sinh viên và thầy sẽ giảng dạy đúng một giáo trình duy nhất cho cả 25 sinh viên theo cách “thầy bảo, trò nghe”. Trong khi đó ở Kiev, giáo viên hướng dẫn sẽ lắng nghe và tìm ra điểm mạnh nhất của từng sinh viên và hướng họ phát huy điểm mạnh đó. Vai trò đã hoán đổi: “trò đề đạt, thầy nghe”. Có thể do trình độ của lớp tôi khi ấy đã là thạc sĩ chứ không còn là sinh viên năm nhất, nên cách tiếp cận của thầy cô có thể khác hơn.

Còn một điều khác biệt nữa đó chính là “ngọn lửa” tự thân trong mỗi sinh viên. Ở Kiev, tất cả các bạn của tôi đều cực kỳ yêu nghề và chăm chỉ. Họ không quản ngại tuyết rơi, mưa, nắng, để đi vẽ ngoài trời từ 5 giờ sáng. Điều đó cũng khiến mình có thêm động lực để rèn luyện chăm chỉ hơn.

Tia-Thủy Nguyễn (sinh 1981) – Cấu trúc nhà sàn Silver Room lấy cảm hứng từ nhà Rông của người Bahnar, làm từ gỗ sến đỏ, được cách điệu để phù hợp với thiên nhiên và khí hậu của vùng Aix en Provence, Pháp.Ảnh: Phạm Anh Huy

 

Tác phẩm Silver Room của Tia -Thủy Nguyễn nhìn từ trên cao tại Château La Coste. ảnh: Ngô Nhật Hoàng

 

TCMT: Nếu bạn học đại học rồi học liền lên cao học thì vẫn chỉ là đi học. Ra trường một thời gian rồi mới tiếp tục học cao lên lại là chuyện khác. Bạn đã đối mặt với việc “ra trường” như thế nào?

T.TN: Hầu hết sinh viên mới ra trường đều cảm thấy hoang mang. Tôi nghĩ cái “nghề làm nghệ sĩ” là một khái niệm cực kỳ trừu tượng mà đến nay ít có trường nghệ thuật nào ở Việt Nam định hướng đúng được. Sinh viên học nghệ thuật sau khi tốt nghiệp đều không biết mình sẽ phát triển sự nghiệp như thế nào, đi theo con đường nào? Việc vẽ trang trí theo đơn đặt hàng, làm thiết kế, dạy học cho trẻ con là những công việc để có thu nhập chứ không phải là để phát triển sự nghiệp như một nghệ sĩ. Không có một lộ trình vạch sẵn như các nghề giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, kế toán… Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi khác trên thế giới, nghệ sĩ trẻ mới ra trường đều phải đối mặt với tình trạng “mông lung” này.

Bản thân Tia-Thủy sau một thời gian dài học tập xa quê, khi quay trở lại Việt Nam cũng cảm thấy mình lạc lõng, vì bối cảnh nghệ thuật Việt Nam lúc tôi trở về vào khoảng đầu những năm 2010 đã thay đổi quá nhanh! Bao nhiêu không gian mới ra đời, nhiều nghệ sĩ trẻ hơn, cách vận hành cũng khác xưa. Lúc đó, tôi cảm thấy đất nước mình có quá nhiều năng lượng nhưng chưa đủ chỗ để xả ra.

TCMT: Là một nghệ sĩ có thời gian quan sát, trải nghiệm, thực hành thực tế ở Việt Nam, theo bạn không gian nghệ thuật ở Việt Nam, từ thời điểm những năm 1990 đến nay đã có những thay đổi gì?

T.TN: Đến cuối những năm 90, theo tôi biết thì sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu là các hoạt động triển lãm theo khuôn khổ của Hội Mỹ thuật hoặc các phòng tranh thương mại. Cả nước chỉ có vài nhóm hoạt động độc lập, mang tính thể nghiệm của các “anh chị lớn” như Salon Natasha, Art Vietnam, Gang of Five, về sau có Nhà Sàn và những sự kiện trình diễn của anh Đào Anh Khánh ở Hà Nội. Trong miền Nam thì có Group of Ten, Blue Space ở Sài Gòn. Tất cả hoàn toàn tự phát, theo cảm tính, nhưng bù lại cũng có nhiều tự do hơn, đặc biệt là giai đoạn sau Đổi mới.

Khối bạc của tác phẩm Silver Room được làm từ 2 phiến đá nguyên khối lớn, bên ngoài phủ lớp bạc quỳ sáng lấp lánh. Ảnh: Phạm Anh Huy

 

TIA-THỦY NGUYỄN – Một góc Silver Room tại Château La Coste, Pháp. 2018. Ảnh: Ngô Nhật Hoàng

Kể từ năm 2000 trở đi là thời kỳ bùng nổ của những không gian và nhóm nghệ sĩ độc lập, nhiều hình thức nghệ thuật mới được cổ vũ và thực hành rộng rãi hơn. Ví dụ như Sàn Art ở Sài Gòn chuyên về nghệ thuật thể nghiệm, Doclab ở Hà Nội chuyên về phim nghệ thuật. Về thương mại thì có thêm Galerie Quỳnh ở Sài Gòn, chỉ tập trung vào các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Ở Huế có New Space Art Foundation. Từ năm 2010 đến nay thì càng ngày càng nhiều hoạt động đa dạng của các không gian mới như Dia Project, Sao La, Chaosdowntown, The Factory ở Sài Gòn; Then cafe, Mơ Đơ ở Huế; Domdom, Workroom Four, Vicas Studio, Cuca, VCCA, vân vân. Và còn rất nhiều nữa mà tôi không thể kể hết. Có vẻ như mọi thứ đã bắt đầu đi vào guồng, do đó, tôi cảm thấy nghệ thuật bây giờ nhiều lý trí hơn so với 20 năm trước.

TCMT: Tại sao lại là “nhiều lý trí” hơn, có phải là do họ không phải chập chững tìm đường một mình nữa, mà nó đã là một con đường, một trào lưu, các tác phẩm quy mô đều hoàn thiện dựa trên nhân công và công nghệ. Nghệ sĩ đôi khi chỉ tạo ra ý tưởng. Rõ ràng nghệ thuật đương đại ngày nay cực kỳ đa dạng về hình thái và chất liệu. Vậy theo bạn, vị trí của “tranh giá vẽ” đang ở đâu trong một thế giới nghệ thuật đương đại đang rất chuộng các loại hình mới như sắp đặt, trình diễn hay video art? Vẽ tranh không phải đang “tiệm cận lạc hậu” như một số nghệ sĩ đương đại đang nghĩ sao?

T.TN: Theo tôi, hội họa giá vẽ luôn luôn có vẻ có vị trí không vững vàng trong thế giới nghệ thuật. Chất liệu trong nghệ thuật không phải như một món đồ thời trang, không có chuyện “lỗi thời”. Tôi may mắn được đi nhiều nơi và quan sát nghệ thuật dưới hai góc nhìn khác nhau: của người thực hành và của nhà sưu tập/đầu tư vào nghệ thuật. Đúng là có rất nhiều nghệ sĩ đương đại hiện nay vận hành như một “nhà máy”, nghĩa là họ đưa ra ý tưởng và có một đội ngũ để thi công, hoàn thiện tác phẩm cho họ. Rất nhiều nghệ sĩ đương đại không cần kỹ năng và kỹ thuật, và thế giới nghệ thuật đương đại đang chấp nhận điều này. Tuy nhiên, tôi không cổ xúy việc đó. Những tác phẩm hoành tráng về kích cỡ, cầu kỳ về kỹ thuật nhưng chưa chắc tạo được rung động bằng một bức tranh mang đậm năng lượng và cá tính của nghệ sĩ. Tranh vẽ luôn là một thứ “tiếp xúc rất trực tiếp” với tâm hồn của nghệ sĩ, một thể hiện rất riêng tư. Mà tâm hồn thì không thể lạc hậu được. Bản thân Tia-Thủy cũng đã từng thử làm sắp đặt địa điểm, cũng đã từng làm với một đội ngũ thi công để cho ra những tác phẩm lớn như Silver Room ở Pháp năm 2018. Nhưng cuối cùng, với tôi, tranh vẽ vẫn là thứ “động chạm” đến cái “bên trong” của mình nhất. Điều quan trọng nhất là tác phẩm phải thể hiện được ý tưởng của mình một cách trọn vẹn, còn việc thể hiện bằng cách nào thì đó là từ nội tại cá nhân của mỗi nghệ sĩ.

TCMT: Hiện nay, nghệ thuật thực hành mang tính thể nghiệm (experimental practice) là một trong những ‘từ khóa’ của thế giới nghệ thuật đương đại. Việc tìm kiếm cái mới luôn là điều cần thiết, nhưng thử nghĩ xem nhé, giữa việc thuần thục một chất liệu và việc liên tục thay đổi và tìm chất liệu mới, cái nào quan trọng hơn, theo bạn?

T.TN: Việc thử nghiệm chất liệu mới hay thuần thục và trung thành với một chất liệu tùy thuộc vào từng giai đoạn trong sự nghiệp sáng tác của từng cá nhân nghệ sĩ. Không thể có một đáp án hay công thức chung cho tất cả mọi người. Với cá nhân tôi, việc thử nghiệm có thể diễn ra liên tục trong nhiều năm, bên cạnh những thực hành mà mình đã thuần thục. Ví dụ từ năm 17 tuổi tôi đã thử nghiệm vẽ bằng chất liệu màu trộn với cát và đặt lên toan, đến bây giờ vẫn đang tiếp tục thử nghiệm để mình có thể vừa thuần thục cách pha màu với keo sữa, vừa khống chế chất liệu để bề mặt uyển chuyển, mềm mại nhất. Hoặc có một thời gian tôi rất thích dùng acrylic vì nó nhanh và bắt kịp cảm xúc của mình, nhưng sau một thời gian làm việc thì lại quay trở về sơn dầu vì càng “chiêm ngắm” sẽ càng thấy màu acrylic bị nông.

TIA-THỦY NGUYỄN – Bên dưới Silver Room tại Château La Coste, Pháp. 2018.Ảnh: Pham Anh Huy

 

Tia-Thủy Nguyễn bên trong Silver Room. 2019.

Việc thử nghiệm là vô cùng cần thiết để thúc đẩy sáng tạo nên nghệ sĩ nên thử nghiệm… Tuy nhiên, các thử nghiệm và nghiên cứu nửa vời trong xưởng nghệ sĩ không phải lúc nào cũng có thể tùy tiện “khoe” ra với công chúng. Tôi thường chỉ trưng bày những tác phẩm mà mình đã thử nghiệm thành công, hoàn toàn hài lòng và tự tin với chúng nhất. Tôi nghĩ đó là cách mình tôn trọng người xem.

TCMT:  Ngày nay, khái niệm “nghệ thuật” không chỉ là “mỹ thuật”, tức là tranh vẽ hay điêu khắc. Nghệ sĩ cũng không chỉ phục vụ cho tầng lớp quý tộc và ca tụng thần linh hoặc phong trào xã hội Vậy vai trò của nghệ sĩ đương đại theo bạn là gì?

T.TN: Nghệ sĩ sáng tác trước hết là để giải quyết nhu cầu thể hiện của cá nhân. Điều này xuất phát từ những rung động chân thật nhất, đừng mang vác trên vai quá nhiều thứ do bên ngoài chi phối. Có những nghệ sĩ rung động bởi một cuộc chiến, nhưng có người chỉ cần thấy ánh sáng lúc bình minh đã dạt dào cảm xúc rồi, như Monet đấy thôi! Tôi không nghĩ nghệ thuật nên mang bất kỳ một nhiệm vụ nào khác ngoài chính bản thân nó. Oscar Wilde đã từng nói: “Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đều hoàn toàn vô dụng!” Thế nhưng, nghệ thuật vẫn cần có năng lượng để chạm đến trái tim của con người, vượt qua tất cả các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa… Vai trò của nghệ sĩ là sống và tiếp tục làm cho sự rung cảm đó tiếp diễn trong xã hội.

TCMT: Có nhiều ý kiến trái chiều về “căn tính” và “dân tộc tính” trong tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ như một số người cho rằng các tác phẩm đến từ Việt Nam phải thể hiện được cái tinh thần ‘Việt Nam’ và nghệ sĩ được xem là phải đại diện cho “màu cờ sắc áo” của quê hương mình, như bóng đá vậy. Bạn nghĩ sao về điều này?

T.TN: Như tôi đã nói ở trên, quan điểm của tôi khi làm nghệ thuật là không liên quan đến những gì ở bên ngoài nghệ thuật. Tôi làm vì cá nhân tôi, thể hiện quyền được “nói” của mình. Tôi sinh ra lớn lên ở Việt Nam, đương nhiên tác phẩm của tôi sẽ mang đậm ảnh hưởng từ những câu chuyện của Việt Nam. Thường nghệ sĩ không thể tự thoát khỏi nguồn gốc của mình. Đất nước này là nguồn cảm hứng bất tận, tôi rất yêu Việt Nam nhưng tôi không có nhiệm vụ và cũng không thể đủ phẩm chất để đại diện cho cả một dân tộc, một cộng đồng nghệ thuật cực kỳ đa dạng và phong phú này. Và tôi nghĩ không ai có thể làm được việc đó.

TCMT: Vậy bạn nghĩ mình đã đóng góp được gì cho nghệ thuật Việt Nam dưới vai trò là một nghệ sĩ đương đại?

T.TN: Việc khiến tôi tự hào nhất, trên cả những thành tựu cá nhân của mình trong những năm qua là thành lập  được Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Lúc nãy tôi có nói, hầu hết sinh viên học nghệ thuật sau khi ra trường đều cực kỳ lạc lõng. Tôi đã từng như thế. Mất rất nhiều năm để tôi tìm được con đường cho mình, hiểu cách mà thế giới nghệ thuật này vận hành. Trong 4 năm qua, The Factory đã phối hợp với nhau, với nhiều không gian, nhóm nghệ sĩ khác ở Việt Nam để làm nhiều triển lãm và chương trình giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp cho nghệ sĩ và cộng đồng. Đến nay khi muốn tìm một điểm đến để xem nghệ thuật đương đại ở Sài Gòn, mọi người đều nhớ đến The Factory. Tôi nghĩ đó là một đóng góp tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng xứng đáng được ghi nhận. Bạn bè quốc tế khi nhìn vào sẽ hiểu rằng Việt Nam không chỉ có áo dài, nón lá. Chúng ta còn có một nền nghệ thuật đương đại đa dạng và cực kỳ giàu năng lượng. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được làm việc với một đội ngũ giám tuyển cực kỳ chuyên nghiệp và tâm huyết. Trong quá trình đó, bản thân tôi cũng đã rút ra được rất nhiều bài học cho chính mình.

Một góc triển lãm “Thuyền Nhà Thuyền” của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly tại The Factory, 2017

 

Một góc triển lãm “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Phạm Trần Việt Nam tại The Factory, 2018

 

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

TCMT: Khi nói đến nghệ thuật, có vẻ như hai từ “thị trường” luôn là “một vùng nửa kín nửa hở” mà ít nghệ sĩ nào muốn nhắc đến một cách “trực diện” và “cởi mở”  Theo bạn, thị trường đóng vai trò gì trong “hệ sinh thái” của nghệ thuật?

T.TN: Trước hết, phải hiểu đúng về thị trường. Thị trường luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nghệ thuật, và chỉ vào khi nó là một thị trường khỏe mạnh và minh bạch. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sưu tập. Nếu mục đích của việc sưu tập chỉ nhằm để trang trí nhà cửa thì mãi mãi thị trường nghệ thuật của Việt Nam chỉ phát triển mảng tranh “mỹ nghệ”. Rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam trong giai đoạn mới mở cửa đã tự chép tranh mình, đi vào lối mòn của thị trường đồ lưu niệm, décor cho khách du lịch phương Tây. Đến thời điểm này, nhiều người vẫn lấy doanh thu làm thước đo thành công của một nghệ sĩ. Họ quên rằng giá bán tác phẩm không phải lúc nào cũng đi đôi với giá trị nghệ thuật. Việc bán được tranh giá cao thường mang lại tiền chứ chưa chắc mang lại thành tựu. Có những nghệ sĩ hài lòng với tiền, chẳng sao cả! Chỉ có điều, thị trường là con dao hai lưỡi. Nó có thể đẩy nghệ sĩ lên, nhưng cũng có thể làm lụi tàn tài năng nếu anh không hiểu và không làm chủ được nó. Một nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính thì dễ sáng tác và tự do hơn, và một nghệ sĩ bị ràng buộc bởi những đơn hàng chính là nghệ sĩ tù túng nhất.

TCMT: Nói đến thị trường ắt nói đến tiền. Điều này có vẻ dễ gây tự ái với các nghệ sĩ. Nghệ thuật chả bàn cứ “tiền, tiền, tiền…” Theo bạn, đây là câu chuyện chung của thế giới nghệ thuật, hay chỉ ở Việt Nam?

T.TN: Có chuyện của người và cũng có chuyện của ta. Thị trường ở Việt Nam hiện nay làm cho nghệ sĩ hoang mang cực độ bởi không có một khung pháp lý rõ rệt, thiếu gallery chuyên nghiệp và chuyên gia. Bên cạnh những vấn đề chung của thế giới, nghệ sĩ Việt Nam còn đối diện với sự thiếu hụt nguồn quỹ sản xuất tác phẩm, khiến cho nghệ sĩ phải chật vật xoay sở với cơm áo gạo tiền, dễ dàng ngả theo hướng làm tranh trang trí vì dễ bán hơn. Ở những nước Châu Âu hay Mỹ, nghệ sĩ có các quỹ hỗ trợ từ các tập đoàn lớn hoặc từ chính phủ. Còn ở Việt Nam, nghệ sĩ không bán được tác phẩm thì phải làm đủ nghề để kiếm sống, không tập trung sáng tác nổi. Chưa kể đến vấn đề bản quyền, nạn tranh giả… Chúng ta còn phải đi một con đường rất dài cùng với nhau để xây dựng một thị trường khỏe mạnh. Trước mắt, nhà sưu tập nếu muốn đầu tư thì cần tìm cho mình một cố vấn tốt để có đường hướng đúng, xây dựng một bộ sưu tập chất lượng chứ không phải một bộ sưu tập áp đảo về số lượng.

TCMT: Nếu có cơ duyên được dạy cho sinh viên mỹ thuật trong nước, bạn nghĩ điều quan trọng nhất mà mình muốn truyền tải đến họ hiện nay?

T.TN: Chăm chỉ và Quyết tâm. Đó là hai từ khóa. Tôi nghĩ đam mê và năng khiếu chỉ là bước đầu tiên để đến với nghề. Cần liên tục rèn luyện, không ngừng học học, đọc sách và học từ các bậc thầy đi trước, từ bạn bè, từ cuộc sống. Làm việc mỗi ngày! Nếu mình tự nhận mình là nghệ sĩ thì phải có tác phẩm. Tác phẩm và chỉ có tác phẩm mới chính là tuyên ngôn thuyết phục nhất của một nghệ sĩ…

TCMT: Cảm ơn Thủy Nguyễn bởi những chia sẻ này!

 Hoàng Anh thực hiện