Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, lúc đó than là vàng đen của Tổ quốc.
Khi ấy, nhóm họa sĩ khóa Tô Ngọc Vân của Hoàng Công Luận gồm Nguyễn Anh Thường, Lưu Yên, Nguyễn Yên, Bùi Quang Ngọc, Vũ Duy Nghĩa nảy sáng kiến vẽ tranh tường, khơi dậy cuộc đấu tranh bất khuất của thợ mỏ trước chủ Tây diễn ra vào ngày 12/11/1936, mà khi bước vào thời kỳ mới cần cổ động phát huy truyền thống tiên phong ấy của giai cấp công nhân để xây dựng miền Bắc ngày một to đẹp vững mạnh, góp phần giải phóng miền Nam. Bức tường Tổng kho vật tư Cẩm Phả được chọn vì đủ để vẽ bức tranh cao 2m, dài 40m. Các họa sĩ xúm vào làm phác thảo bức tranh “Vùng mỏ xưa và nay”, thể hiện vế trái là cảnh thợ mỏ bị chủ Tây – Công ty than Bắc Kỳ – bóc lột đến cùng cực chỉ còn da bọc xương, thợ mỏ được giác ngộ cùng đồng khởi đấu tranh giành quyền được tăng lương, giảm giờ làm, hàng vạn thợ mỏ vùng lên như vũ bão buộc chủ mỏ nhượng bộ; vế phải là cảnh vùng mỏ đã được giải phóng, thợ mỏ là chủ nhân hăng hái thi đua lao động, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Phác thảo tranh được lãnh đạo Cẩm Phả và giám đốc ngành than phê duyệt triển khai. Trước hàng ngàn thợ mỏ hàng ngày lên tầng, ngay từ trong quá trình thực hiện, bức tranh đã mang tới sức mạnh cổ vũ bởi tài năng của các họa sĩ từng có thời gian trực tiếp làm than ở các mỏ Lộ Trí, Đèo Nai, Cọc Sáu. Khi tranh hoàn thành, thợ mỏ gọi vắn tắt là tranh “Hai chế độ”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận – Trưởng đoàn các văn nghệ sĩ về tham gia hoạt động và sáng tác tại vùng mỏ khi ấy rất mừng vì các họa sĩ đúng như các chiến sĩ đang dùng tác phẩm của mình thúc đẩy khí thế thi đua hăng hái sản xuất. Tiếng vang từ bức tranh tường bay nhanh về Hà Nội. Các họa sĩ Trần Văn Cần, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Đình Thọ trỗ xuống chiêm ngưỡng và đánh giá cao. Bức tranh là niềm tự hào của nhân dân Cầm Phả. Thực đáng tiếc nó chỉ đứng được đến năm 1966 thì bị máy bay Mỹ ném bom hủy diệt san bằng. Song nó không chết. Số là năm 1959, ngoài Vũ Duy Nghĩa được đặc cách đi học Liên Xô, năm họa sĩ còn lại đã rủ nhau về nhà nhiếp ảnh gia Khải Loan ở bến tàu Hòn Gai, chuyển bức tranh sang chất liệu bột màu trên lụa để kịp Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1960. Tranh đạt huy chương đồng, được tuyển chọn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Do tranh dài quá khổ thông thường nên có thể không phù hợp đăng trên sách báo, và dễ bị quên lãng.
Khoảng năm 1980, Bảo tàng Quảng Ninh lại khơi chuyện tranh tường “Hai chế độ”, vì lúc này ông Hoàng Thuận – Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rồi Chủ tịch Hội Văn Nghệ Quảng Ninh kiếm được phiên bản đen trắng nhờ khi làm phim “Suối than” đạo diễn Ba Kỳ lia kỹ nguyên bản, ông Thuận hỏi tôi có cách nào khôi phục lại, tôi nghĩ cách mời các tác giả xuống Hòn Gai dựa vào phiên bản có trong phim “Suối than” mà vẽ lại màu, lúc này vắng Bùi Quang Ngọc đang sống ở TP.HCM, Vũ Duy Nghĩa thì đang bận làm chủ nhiệm khoa Đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Thế rồi tác phẩm cũng được chính các đồng tác giả vẽ lại trên giấy và một phần vẽ to bằng sơn dầu trên vải kịp trưng bày Triển lãm Mỹ thuật Vùng Than nhân 60 năm miền mỏ bất khuất (12/11/1936 – 12/11/1996) tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Thấy được giá trị tranh tường đối với người xem hiệu quả, trong một lần tổ chức trại sáng tác 3 tháng, họa sĩ Hoàng Công Luận đưa anh em lên Thư viện Trung ương tìm xem các họa phẩm sách báo các nước, trong đó có tranh tường Xi-cây-rốt (Mê-hi-cô), Féc-năng Lê-giê (Pháp). Gần đây nhiều vùng miền trong cả nước lại hưởng ứng tranh tường như làng bích họa Tam Kỳ (Quảng Nam), phố Gầm Cầu – Phùng Hưng (Hà Nội) được quần chúng mến mộ. Tranh tường có vẻ hợp với dạng vẽ nghiêm cẩn, chỉnh chu của Hoàng Công Luận, vì vậy ông lại có nhiều dịp thể hiện qua các tranh như “Chiến thắng Bạch Đằng”, vẽ ngay tại Bến Rừng – Quảng Yên, chính nơi Trần Hưng Đạo thắng giặc Nguyên Mông năm 1288, khổ lớn 2m x 18m. Ông cũng vẽ tranh tường về dây chuyền sàng tuyển than cho Công ty Cảng kinh doanh than Cẩm Phả, năm 2002.
Năm 2003, ông vẽ tranh tường cho Công ty Than 790 và Công ty Cảng thuộc Tổng công ty than Đông Bắc – Bộ Quốc phòng… Ông Chủ tịch huyện đảo Vân Đồn mỗi khi lên tỉnh phải đi qua các tranh tường kể trên chứng kiến dân chúng yêu thích ngắm tranh, bèn mời bằng được họa sĩ Hoàng Công Luận sang đảo vài tháng thâm nhập cảnh đẹp của đảo nhằm phác thảo cho đảo một tác phẩm tương xứng.
Năm 2002, lúc này tôi mới nghỉ hưu, họa sĩ Hoàng Công Luận gọi cùng đi trong 2 tháng tha hồ vẽ thuyền bè cảng Cái Rồng, hàng chục xưởng đóng tàu thuyền, nhà lồng nuôi cá biển, người Nhật nuôi trai lấy ngọc, anh em vui đùa bảo tôi được “theo voi ăn bã mía”, nhiều vị lãnh đạo ở Bình Liêu, Móng Cái đều mê ông vẽ bích họa.
Cũng từ việc được xem tranh tường mà nhiều thợ mỏ đâm đơn xin học vẽ ngoài giờ, thầy dạy nôm na như giáo trình Trường Yết Kiêu rút gọn, cũng vẽ tượng vờn bóng, vẽ trang trí, bố cục… Nhất là đi ký họa tại chỗ… Người nào có thế mạnh được thầy phát hiện và hướng cho phát huy. Mỗi khóa học xong đều có triển lãm, tranh đẹp được tuyển lên Hà Nội, các họa sĩ nổi tiếng ở Trung ương thường được mời về góp ý khiến người học hả hê theo đuổi nghề đến cùng, người vững tay nghề thỉnh thoảng được triệu tập tham gia trại sáng tác tập trung 3 tháng.
Năm 1964, tôi còn trai trẻ chưa vướng chức tước gì, nhân chuyên gia kỹ sư cơ khí Liên Xô sắp về nước nghỉ phép, cơ quan cho theo trại thầy Luận đến Uông Bí, mỏ Vàng Danh, Mạo Khê vẽ tại trận, thầy trò ngủ lán cùng thợ mỏ, một tuần vài buổi vào lò vỉa 14 ngay cánh gà, giếng mù… quan sát thợ củng cố lò cái và khao than lò chợ, thời gian còn lại vẽ công trình xây dựng nhà máy tuyển than, nhờ thợ lò ngồi mẫu vẽ, và nhờ trại này tôi có vài tác phẩm tốt như “Hai người thợ lò”, “Lớp học bổ túc văn hóa tại Than Luyện ”, “Những ngày đầu xây dựng mỏ than Vàng Danh”. Trại mở đúng thời điểm Mỹ đánh bom bến phà Bãi Cháy 5/8/1964, ta bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, bắt sống phi công An-vơ-rét, tôi vẽ áp-phích được sử dụng kịp thời. Qua các lớp học ngoài giờ, nhiều thợ mỏ do Hoàng Công Luận và các đồng nghiệp của ông dìu dắt đã thi đậu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội như Tống Giang Minh (thợ lái máy gạt, mỏ Đèo Nai, người Sán Dìu), Đoàn Đạt (công nhân Nhà máy cơ khí Cẩm Phả), Hoàng Dương Thanh (công nhân mỏ Cọc Sáu), Đặng Hiền (công nhân mỏ Đèo Nai), Lê Chuyền (công nhân tuyển than Hòn Gai). Nhiều người trở thành họa sĩ nối tiếng được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh triển lãm toàn quốc, triển lãm cá nhân trong và ngoài nước như Đặng Đình Liên (công nhân cơ khí bậc 7/7 Nhà máy cơ khí Hòn Gai), Nguyễn Hoàng (thợ mỏ Hà Lầm), Ngô Phương Cúc (thợ mộc mẫu Nhà máy cơ khí trung tâm Cẩm Phả), Ngô Văn Túc (lái xe 40 tấn mỏ Hà Tu), Vũ Tư Khang, Đặng Đình Nguyễn (nông dân đảo Hà Nam, Quảng Yên), Trần Ngọc Hải (bác sĩ phẫu thuật giỏi bệnh viện tỉnh), Bùi Đình Lan, Vũ Minh Huy (thợ khoan mỏ Đèo Nai), Hoàng Ngọc Châu (Công ty xây lắp Cẩm Phá), Phạm Phi Châu (kỹ sư cơ khí). Nhiều tác giả đã đoạt giải cao trong các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Phong trào Mỹ thuật Quảng Ninh được họa sĩ Trần Văn Cẩn-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam-tuyên dương là phong trào mạnh nhất cả nước.
Tôi gặp họa sĩ Hoàng Công Luận năm 1959 tại Bảo tàng đặc khu Hồng Quảng nhà số 5 Hòn Gai vốn của chủ mỏ thời Pháp. Số là hồi học trung học tại Hà Nội, tôi có học vẽ 3 năm, tháng 8/1958 được phân công về Nhà máy cơ khí Hòn Gai. Biết tôi biết vẽ, lãnh đạo nhà máy phân công làm áp-phích phục vụ đợt học tập cải tiến quản lý xí nghiệp, hầm mỏ, nhà máy, nên tôi đến vẽ ở chân bảo tàng nói trên. Đạo diễn điện ảnh là ông Đoàn – người đồng bằng sông Cửu Long – từng quay nhiều thước phim tư liệu quý giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đi cùng đoàn Cù Huy Cận rẽ vào nhà máy gặp tôi, ông Đoàn trưng dụng tôi lên bảo tàng vẽ áp-phích. Cùng lúc ấy Bùi Quang Ngọc đang phóng ảnh chủ mỏ cũ, Lưu Yên vẽ lại cuộc đình công 1936 ở Cẩm Phả, còn ông Luận vẽ các cô gái mỏ diện đen tuyền chỉ hở đôi mắt, chân đi ba-ta trắng, còn các tay lái xe mỏ 25 tấn thời ấy xe không có giảm xóc thủy lực phải đeo đai bụng như đai vô địch quyền Anh cho khỏi xóc ruột. Tôi còn được phân công làm sa bàn, hộp hình, rồi cùng các ông đi vẽ Lán bè, Ba đèo, Lán đạo, Than luyện, Bến xe mỏ.
Có lần tôi vẽ tranh “Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào lò”, Nguyễn Sáng ngắm tranh rồi gật đầu bảo: “Cậu vẽ ông này được”, thoáng mừng vì nghĩ được Nguyễn Sáng khen. Nhưng rồi giọng ông chùng xuống nói tiếp: “Ai tốt thì mình vẽ, kẻ xấu mình không vẽ, để khi chết nó không có ảnh. Cần anh em mình vẽ nhau”. Nguyễn Sáng nói sao làm vậy, cuộc đời ông chọn vẽ Bác Hồ, vẽ “Anh Trỗi hiên ngang trước pháp trường”, bộ đội ta anh dũng bất khuất thắng giặc Pháp ở Điện Biên trong tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, “Thanh niên thành đồng” hiên ngang trước họng súng kẻ thù… Hoàng Công Luận không tuyên ngôn như Nguyễn Sáng, nhưng xem tranh ông đã thấy khí tiết kẻ sĩ Bắc Hà. Ông vẽ để ca ngợi những người thợ mỏ không quản gian nguy trong hầm sâu để sản xuất nhiều than cho Tổ quốc, ông lên trận địa phòng không của chiến sĩ tự vệ ở tuyển than Hòn Gai nơi đã tham gia bắn rơi nhiều máy bay giặc Mỹ. Khi Đặng Bá Hát người chỉ huy trận địa hy sinh cùng nhiều pháo thủ, ông lên vẽ các đồng đội còn lại như một sự tri ân những chiến sĩ tự vệ quả cảm. Khi biên giới phía Bắc bị xâm lăng ở Pò Hèn, Thán Phún, Móng Cái… có nhiều chiến sĩ anh dũng hy sinh, lại thấy ông lên chiến tuyến vẽ để động viên cuộc chiến đấu. Ông cũng lặn lội về hang đá Chồng, Cẩm Phả để vẽ những người thợ cơ khí Cầm Phả vẫn tổ chức sửa chữa xe, máy, lắp máy phát điện cục bộ đều đặn dưới làn bom đạn Mỹ nhằm duy trì sản xuất, được báo chí tuyên dương trong phim “Thép của than”. Ông chú trọng vẽ chân dung chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến một cách hào hứng, trân quý như “Thợ luyện thép Nguyễn Phú Thu” hay “Công nhân lò giếng Mông Dương”. Hoàng Công Luận cũng lặn lội đến những công trình thế kỷ như xây dựng thủy điện Hòa Bình để vẽ những con đập đồ sộ, ông cũng không quên ơn những chuyên gia Liên Xô đổ mồ hôi, kể cả máu để giúp đỡ Việt Nam, những chân dung ông vẽ họ thật đẹp, thật giống, tác phẩm của ông quả là góp phần củng cố tình hữu nghị.
Từ ngày gặp họa sĩ Hoàng Công Luận từ 1958 đến nay 2019 đã 61 năm, nhưng không phải lúc nào tôi cũng được gần ông. Gần đây bà Vũ Thị Cầm (vợ ông) chọn ra gần 300 tranh trong hàng ngàn tranh ông vẽ như một sự tổng kết sự nghiệp của ông khiến tôi ngỡ ngàng trước gia tài đồ sộ này. Từ liên hệ với bản thân, tôi nghĩ rằng ông quá yêu cuộc sống, quá yêu cảnh quan mới có thể rung động mà vẽ ngần ấy tranh, ông như người viết biên niên sử bằng tranh, khép lại thế kỷ 20.
Ngoài sự nghiệp sáng tác và đào tạo, họa sĩ Hoàng Công Luận còn là một nhà nghiên cứu nghệ thuật, viết sách, làm báo. Ông từng là Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2003 tỉnh Quảng Ninh với sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học đã biên tập và xuất bản bộ sách “Địa chí Quảng Ninh” gồm 3 tập. Trong phần viết về hội họa, PGS.TS. Nguyễn Du Chi viết: “Người gắn bó lâu dài nhất ngót 20 năm, ông vừa là người thầy, vừa là người bạn tận tâm với vùng mỏ từ thuở ban đầu, đồng thời là người nêu gương sáng, cần mẫn sáng tác là họa sĩ Hoàng Công Luận”.
Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 2019
PHẠM PHI CHÂU