Tên tuổi cố họa sĩ Zao Wou-Ki (người Pháp gốc Hoa) trở nên nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường tranh thập kỉ vừa qua. Năm 2018, bộ ba tranh hoành tráng Juin-Octobre 1985 (1985) (Tháng sáu-Tháng mười 1985) của Zao Wou-Ki được bán tại Sotheby’s Hong Kong với giá 65 triệu USD, không chỉ hơn mức gấp đôi kỷ lục đấu giá trước đây của ông, mà còn lập kỷ lục mới cho tranh sơn dầu của họa sĩ châu Á, và trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt nhất từng được đấu giá tại Hong Kong.
Sinh thời Zao Wou-Ki vốn đã nổi tiếng, tuy nhiên giá tác phẩm của ông chỉ thực sự tăng vọt sau khi ông mất vào năm 2013. Tác phẩm Juin-Octobre 1985 đã được bán với giá 18 triệu HKD (tương đương 2,3 triệu USD) vào năm 2005, nghĩa là giá cho riêng một tác phẩm đã tăng gấp gần 30 lần trong 13 năm. Theo cơ sở dữ liệu về giá của Artnet, 23 tác phẩm đắt giá nhất của Zao Wou-Ki đã được bán sau khi ông mất.
“Không phải là cường điệu khi nói Zao Wou-Ki là một trong số rất ít những họa sĩ gốc Hoa hiện đại đã được thực sự công nhận trên thế giới”, Felix Kwok, trưởng bộ phận bán hàng, mảng nghệ thuật châu Á hiện đại của Sotheby’s cho biết.
Zao Wou-Ki là một trong những họa sĩ châu Á đầu tiên tạo được danh tiếng quốc tế. Nhu cầu về tác phẩm của ông ở Mỹ và châu Âu đã mở rộng từ thập niên 1950, nhu cầu trên thị trường châu Á theo sau vào những năm 1980, cho đến hiện tại vẫn là thị trường có nhu cầu lớn nhất đối với tác phẩm của ông. Emmanuelle Chan, chuyên gia, cộng sự của Christie’s, Ban Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và đương đại tại Paris, nói rằng bà thấy những mối quan tâm rất lớn với tác phẩm của Zao Wou-Ki, chủ yếu là từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong.
“Khi thị trường châu Á bắt đầu phát triển, tên tuổi Zao Wou-Ki là một trong những ưu tiên với các nhà sưu tập”, Giám đốc Phòng trưng bày Gagosian, Jean-Olivier Després, người vừa tổ chức một cuộc trưng bày tác phẩm của Zao Wou-Ki tại New York, đã nói. “Vì ông ấy có một nhóm mạnh gồm các nhà sưu tập châu Mỹ và châu Âu, và các nhà bảo tàng đã sưu tập tác phẩm của ông ấy hàng thập kỷ, chúng được tìm kiếm đến mức khó tin.”
Ngoài ra, tài sản của Zao Wou-Ki bị bỏ lửng về mặt pháp lý cho tới thời gian tương đối gần đây. Sau khi ông mất, người vợ thứ ba và người con trai từ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông đều tìm cách kiểm soát số tài sản này, trong đó có tới 656 triệu $ giá trị của những bức tranh. Các phiên tòa phán quyết người vợ thứ ba của
Zao Wou-Ki thắng kiện vào năm 2017, để bà tự do trưng bày và bán những tác phẩm thuộc tài sản của ông. Triển lãm Gagosian đặc biệt có một bộ kết hợp những tác phẩm của Zao Wou-Ki từ tài sản của họa sĩ và từ các bộ sưu tập cá nhân.
Các nhà đấu giá vẫn là nguồn cung lớn nhất về tác phẩm của ông, với Sotheby’s, Christie’s, Phillips, mỗi nơi cung cấp các tác phẩm của Zao Wou-Ki trong mùa bán tháng mười của họ ở Hong Kong, Paris, New York. Tại Sotheby’s, tác phẩm năm 1959 21.04.59 được bán với giá 104,5 triệu $HK (13 triệu $), suýt soát vượt qua ước tính cao nhất cho nó là 100 triệu $HK (12,7 triệu $). Christie’s đã bán tác phẩm năm 1989 của ông 6.2.89 với giá 2,7 triệu € (3 triệu $), gần gấp đôi mức ước tính cao nhất cho nó là 1,5 triệu € (1,6 triệu $). Và với mức giá phải chăng hơn trong phổ giá của Zao Wou-Ki, vào buổi sáng thứ sáu, Phillips đã bán hai trong số những tranh in đá của ông tại New York với giá 4.750 $ và 2.375 $.
Vào tháng 11, Christie’s đã đem bán đấu giá hai tranh của Zao Wou-Ki thuộc bộ sưu tập của kiến trúc sư nổi tiếng I.M. Pei và vợ ông Eileen, trong suốt mùa bán tại Hong Kong. Tác phẩm 27.3.70 năm 1970 của Zao Wou-Ki, một tổng hòa của các màu trắng, nâu và đen, được ước tính giá bán khoảng giữa 38 triệu và 48 triệu $HK (4,8 triệu và 6,1 triệu $), vào buổi tối ngày 23 tháng 11. Bức tranh khác Untitle (1950-51) (Vô đề) đã được đưa ra đấu giá vào ngày hôm sau, với giá ước tính trước bán là 6,5 đến 8 triệu $HK (829 ngàn đến 1 triệu $).
Cảm hứng từ Paris
Zao Wou-Ki sinh ra ở Bắc Kinh năm 1920 và nghiên cứu kỹ thuật vẽ thủy mặc truyền thống của Trung Quốc tại trường Nghệ Thuật ở Hàng Châu. Ông học từ Lin Fengmian, người tiên phong của hội họa Trung Quốc hiện đại, và triển lãm lần đầu năm 21 tuổi ở Trùng Khánh. Khi Zao Wou-Ki đến Paris năm 1948, ông bị mê hoặc bởi trường phái ấn tượng và chủ nghĩa biểu hiện, và bắt đầu đưa kỹ thuật phương Tây hiện đại vào tác phẩm của mình. Ông tiếp tục ở lại châu Âu suốt phần đời còn lại.
Đã được đào tạo tốt về thư pháp Trung Quốc, ban đầu Zao Wou-Ki cố gắng từ bỏ những quy ước này, rồi sáng tác với phong cách thuần châu Âu hơn.Về sau ông đã chuyển sang một giai đoạn “cốt lõi thiêng liêng” tương đồng với những di sản Trung Quốc của ông, lấy cảm hứng từ chữ Hán cổ. Emilio Steinberger, cộng sự lâu năm của Lévy Gorvy, nói rằng ông vẫn nhìn nhận giai đoạn này là trọng tâm đối với các nhà sưu tập châu Á. Lévy Gorvy đã tiến hành một cuộc triển lãm những tác phẩm của Zao Wou-Ki cùng với tác phẩm của Willem de Kooning vào năm 2017, với sự ủng hộ của quỹ Zao Wou-Ki.
“Từ lúc chúng tôi bắt đầu dàn dựng cuộc triển lãm đó, mọi người trong giới đều quan tâm hơn, các nhà sưu tập, các bảo tàng, các nhà phê bình…”, Steinberger nói.
Ở Paris, Zao Wou-Ki gặp gỡ một số họa sĩ cùng có hứng thú với tranh trừu tượng. Trong đó có họa sĩ người Pháp Pierre Soulages, và cả những người nước ngoài như Joan Mitchell và Jean-Paul Riopelle. Năm 1957, Soulages đưa Zao Wou-Ki tới New York, nơi ông được truyền cảm hứng bởi những tác phẩm trừu tượng biểu hiện của Franz Kline, Philip Guston và Adolph Gottlieb. Ông đã triển lãm ở một số phòng trưng bày quan trọng nhất thời đó, như Kootz Gallery có trụ sở tại New York, cũng như với nhà kinh doanh người Paris Pierre Loeb.
Sau chuyến đi tới New York, Zao Wou-Ki chuyển sang “giai đoạn bão táp”, ông dịch chuyển xa khỏi tính hình tượng để đi vào khám phá không gian và cấu trúc, với những bức tranh trừu tượng táo bạo. Những tác phẩm thuộc giai đoạn này, kéo dài trong những năm xấp xỉ 1959 đến năm 1972, từ lâu vẫn là những tác phẩm được tìm kiếm nhiều nhất giữa các nhà sưu tập tác phẩm Zao Wou-Ki. Tác phẩm 29.01.64 (1964) đem về 25,9 triệu $ tại Christie’s vào năm 2017, giữ kỷ lục đấu giá của Zao Wou-Ki đến mùa thu vừa rồi.
Tranh bộ ba của Zao Wou-Ki là tâm điểm của sự chú ý trong những năm gần đây, một phần nhờ kích thước của chúng, chiều ngang lên tới 10m. “Juin-Octobre 1985” là bức tranh sơn dầu lớn nhất ông từng vẽ, bức tranh lớn thứ nhì từng được đấu giá, “Tryptyque 1987-1988” (1987-88) đem về 22,6 triệu $ ở một buổi đấu giá của Christie’s sớm hơn cũng trong năm nay. Đối với Steinberger, kích cỡ đồ sộ cùng với tham vọng vĩ đại đã đem đến cho các tác phẩm thuộc sự nghiệp về sau của Zao Wou-Ki sức hấp dẫn rất lớn và sự cuốn hút đầy quyền năng.
“Tác phẩm của ông ấy những năm 1980 và những năm 1990 cũng mãnh liệt như những năm 1960, và đó mới chỉ là một nhân tố cuốn hút người xem đứng trước chúng”, Steinberger nói.
“Cha đẻ của mỹ thuật Trung Quốc hiện đại”
Sự quảng giao của Zao Wou-Ki với bạn bè ngang qua ba lục địa không chỉ đem lại cho ông cảm hứng sáng tác, trong vài trường hợp còn nâng cánh sự nghiệp của ông. Triển lãm Gagosian tập trung vào tình bạn cả cuộc đời giữa ông và kiến trúc sư nổi tiếng I.M. Pei. Pei đã khích lệ ông dung hòa chất liệu mực vào tác phẩm, đôi bạn đã cùng nhau đến Ai Cập để nghiên cứu dự án thiết kế kim tự tháp Louvre của Pei.
Zao Wou-Ki cũng có lợi khi nhận được sự quan tâm từ những tổ chức vững vàng như các viện bảo tàng, nhiều bảo tàng sưu tập tranh của ông, trong đó có bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Centre Pompidou, Tate Modern. Năm ngoái, Musée d’Art Modern ở Paris cho ra mắt triển lãm lớn đầu tiên những tác phẩm của Zao Wou-Ki tại thủ đô Pháp trong 15 năm, tập trung vào những tác phẩm cỡ lớn của ông. Triển lãm bao gồm một vài tác phẩm vẽ bằng chất liệu mực chưa từng được trưng bày, cũng có thể thấy chúng ở triển lãm của Gagosian vừa đây.
Felix Kwok đưa ra ý tưởng rằng thành công của Zao Wou-Ki có thể là dấu hiệu cho sự tăng trưởng của toàn bộ thị trường cho nghệ thuật châu Á hiện đại. “Việc công chúng yêu mến Zao Wou-Ki có thể được xem là một phần của bức tranh rộng hơn-sự nổi lên của nghệ thuật châu Á hiện đại như một thể loại sưu tập,” ông nói, “Đó không chỉ là câu chuyện thành công của một cá nhân.”
Nhưng nhiều người khác lại phản đối rằng thành công của Zao Wou-Ki không nhất thiết sẽ gắn với việc nghệ thuật châu Á hiện đại được quan tâm hơn. Emmanuelle Chan nói bà đã thấy những người sưu tập mua tác phẩm của Zao Wou-Ki nhưng lại không có vẻ quan tâm đến nhiều họa sĩ châu Á khác, dù điều chắc chắn là ông đã tạo ảnh hưởng lên những họa sĩ châu Á đương đại. Bà nói:
“Zao Wou-Ki được tôn kính là cha đẻ của mỹ thuật hiện đại Trung Quốc và một hình mẫu cho rất nhiều họa sĩ Trung Quốc ngày nay.”
(*) Bài viết được dịch từ trang Artsy.net
C.K.
Thu Huyền (dịch)