Chuyện về hiệu trưởng Victor Tardieu và sinh viên Nguyễn Gia Trí

Vài lời rào trước: Bố tôi – cố họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII 1939-1944) từng là đệ tử của danh họa Nguyễn Gia Trí trong khoảng các năm 1942 – 1946 đã kể câu chuyện này cho tôi nghe mấy lần. Tất nhiên đây là giai thoại thuộc loại nổi tiếng về hai nhân vật đặc sắc nhất nhì của Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX nên chắc chắn tất cả các sinh viên Mỹ thuật Đông Dương hồi ấy đều biết và từng kể lại… nên có thể có nhiều dị bản. Tôi tin: tình tiết có thể khác nhau song cốt lõi thì không thay đổi vì… “nói có sách”…

1.Thắc mắc

Ấy là hồi cuối năm 1990 của thế kỷ trước, khi Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay đổi là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) kỷ niệm 65 năm thành lập (1925- 1990) nên đã cho xuất bản cuốn sách “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, 1925 – 1990”. Khi xem sách, đọc qua phần “Danh sách sinh viên của trường…”, tôi bèn thắc mắc ngay với bố tôi rằng: Cớ sao ông Nguyễn Gia Trí đã thi vào khóa IV (1928 – 1933) lại “không theo học hết khóa” (nguyên văn trong sách) mà phải đợi đến khóa VII (1931- 1936) mới học tiếp và tốt nghiệp? Bố tôi trả lời rằng đó là một giai thoại từng rất nổi tiếng trong Trường  và nay lại kể lại cho tôi…

Hiệu trưởng Victor Tardieu

2.Thầy Hiệu trưởng đã đuổi một sinh viên “cứng đầu”…

Như ta đã biết: sinh viên Nguyễn Gia Trí đã thi đỗ vào và theo học khóa 1928 – 1933 (cùng khóa này có Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường, Lưu Đình Khải…). Tất nhiên ông học khá nhưng rất cứng đầu. Một hôm, thầy Hiệu Victor Tardieu trưởng xuống lớp xem bài và không đồng ý cách vẽ của trò Trí. Thật bất ngờ vì trò này lập tức cãi lại rất hăng. Lưu ý rằng, đó là thời thực dân nên đây là chuyện không thể chấp nhận được! Lập tức Hiệu trưởng Tardieu chỉ ra ngoài cửa và quát đuổi thẳng thừng tên trò hỗn hào này. Trò Trí không nói không rằng, lặng lẽ xếp đồ vẽ cá nhân và ra về trong khi các bạn cùng lớp tái mặt, chết sững…

3.Gặp lại nhau ở miền trung du xa xôi…

Lẽ ra đây là một bi kịch vĩnh viễn không thể có cơ hội sửa chữa bởi thân phận của trò Trí là dân bản xứ “bị trị” trong khi ông Hiệu trưởng – dù có nhân ái cỡ nào chăng nữa- vẫn thuộc về hàng ngũ thực dân “cai trị”. Số trời đưa đẩy thế nào mà sau đó mấy năm, một ngày đẹp trời, thầy Hiệu trưởng Tardieu thuê xe ngựa rời Hà Nội lên Lạng Sơn. Tới một đoạn đường đèo cong cong ở Bắc Giang, ông bỗng phát hiện bên đường có một người bản xứ đang đặt giá đứng vẽ. Tò mò, ông bảo xà ích dừng lại rồi bước xuống xe. Ông nín thở lại gần và thấy bức tranh khá đẹp, đồng thời cũng nhận ra “Trò Trí – tên học trò cứng cổ” ngày nào… Chần chừ giây lát, ngài Hiệu trưởng bước vòng ra phía trước…

Nguyễn Gia Trí (lúc trẻ)

 

Hiệu trưởng Victor Tardieu gặp lại hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí trên đường lên Lạng Sơn và đã khuyên ông quay về trường học tiếp.  Minh hoạ của Đức Hoà

Sau này, cụ Trí hồi tưởng lại giây phút ấy: đang mải vẽ bỗng giật mình thấy ông Hiệu trưởng Tây hiện ra bên cạnh, bất ngờ nhấc nhẹ mũ phớt chào, khen tranh đẹp và tỏ lời hối tiếc đã đuổi trò trong lúc nóng giận… Ông đặt câu kết: “Kể từ ngày mai, nếu muốn, anh có thể quay lại trường để học tiếp, tôi hứa!”. Câu chuyện tiếp theo, như ta đã biết: Trò Trí trở lại trường theo học và tốt nghiệp khóa VII (1931- 1936). Bạn cùng khóa này với ông có Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn… Sau khi ra trường, Nguyễn Gia Trí chuyên sâu vào sơn mài và nhanh chóng nổi lên như một danh họa, nhận được những hợp đồng làm tranh tầm cỡ, phải thuê thêm không những các thợ sơn ta chuyên nghiệp mà còn thuê cả khóa sinh viên Mỹ thuật 1939 – 1944, trong đó có bố tôi… (nhưng đó lại sang một câu chuyện khác).

4.Ngẫm nghĩ về quan hệ thầy trò thời thực dân Pháp và tư chất nghệ sỹ của họa sỹ Victor Tardieu

Được biết hồi ấy, hết thảy các sinh viên Mỹ thuật Đông Dương sau khi nghe chuyện đều nghẹn ngào xúc động. Đường đường là ông hiệu trưởng, lại ở đẳng cấp thực dân cai trị, thầy Tardieu oai phong lẫm liệt không có bất cứ lý do gì để phải hạ mình chào học trò trước chứ đừng nói phải tỏ ra hối tiếc đã đuổi trò để rồi phải mời trở lại trường học! Tại sao lại có chuyện ấy ư? Đa số các cụ từng là sinh viên mỹ thuật thời ấy tin vào tư chất nghệ sỹ ngoại hạng của ông thầy: ĐẶT CÁI ĐẸP VÀ TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT LÊN TRÊN HẾT THẢY và vì thế sẵn sàng nhún mình, nếu việc đó là cần để phụng sự nghệ thuật, là cần để không bỏ phí một tài năng đích thực nào!

NGUYỄN GIA TRÍ – Ba người đàn bà. 1934. Sơn dầu. Sưu tập của LP. Paris

Lịch sử Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng chứng thực rằng “cụ Tạc”- cái tên mà các trò Việt đã gọi thầy theo cách rất yêu mến – đã quyết tâm mở trường bằng được khi nhận thấy người Việt có đủ tư chất và tài năng nghệ thuật không kém cạnh gì ai. Và cũng chính “cụ” đã dũng cảm bảo vệ lập trường kiên quyết đào tạo ra các nghệ sỹ chứ không phải ra các thợ nghề bởi các sinh viên “An Nam” của “cụ” xứng đáng được như vậy! Sau 12 năm sống hết lòng vì các học trò xứ thuộc địa, thầy Victor Tardieu đã chết cũng tại xứ này. Xin trân trọng cảm ơn người thầy lớn nhất của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại!

Đức Hòa