Tư tưởng và nghệ thuật của Trần Duy diễn biến qua một mối tưởng phản: một bên là con người xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến “con vua cháu chúa” ở Huế, một bên là con người trưởng thành trong môi trường giáo dục văn hóa và nghệ thuật kiểu phương Tây và trong cách mạng- kháng chiến.
Ở thời kỳ nghệ thuật sau cùng (kể từ những năm 1980), hội họa Trần Duy càng mang tính tự sự và hướng nội. Trong tranh ông, tình yêu thiên nhiên, niềm hoài cổ đã khéo hóa thành một thứ “tình cảm triết học”, tự nhiên và man mác, dễ đi vào lòng người xem. Ông thích sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, hòa đồng quá khứ và hiện tại, nhằm tạo ra những liên tưởng tinh tế và sâu sắc, thậm chí mang tính siêu hình, đặc biệt qua các bộ tranh vẽ hoa lá cây cỏ và về Cố đô Huế quê hương ông. Sự vật ở đây hiện lên rất thực, nhưng lại được chiếu sáng và nhuốm màu hư ảo phát ra từ nỗi khắc khoải, ưu tư về cuộc đời và số phận con người, mỏng manh, phù du mà vẫn tiềm ẩn những mạch sống vĩnh cửu.
F.A.M.
MẤY NÉT VỀ HỘI HỌA TRỌNG KIỆM
Nói về nghệ thuật Trọng Kiệm là nói về một phong cách hội họa độc đáo, rất dễ nhận ra, dường như không trộn lẫn với bất kỳ ai. Trên tranh ông, các yếu tố mà ta vẫn gọi là “hình thức” đã được tiếp thu và tổng hợp từ nhiều nguồn ảnh hưởng, Đông Tây, kim cổ, và đã đạt tới một đồng bộ hài hòa riêng biệt. Ông là một trong số ít các họa sĩ Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, sáng tạo bằng tinh thần dũng cảm hiếm có trong bối cảnh thịnh hành của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hay nói khác đi, nghệ thuật ông vừa tương hợp vừa tương phản với dòng chủ lưu ấy. Và đấy cũng chính là điều đặc sắc nhất ở ông, một họa sĩ luôn luôn gắn mình với thời đại và cuộc sống thông qua những đề tài khi thì đậm tính sử thi, khi thì hết sức bình dị mà bao giờ cũng thấm đẫm chất trữ tình.
F.A.M.
TRỌNG KIỆM (1934 – 1991) – Tam dương thụ lộc. 1979. Sơn dầu. 92x65cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
TRỌNG KIỆM (1934 – 1991) – Chị em. 1973. Sơn dầu. 70x53cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
TRỌNG KIỆM (1934 – 1991) – Phong cảnh nông thôn. 1964. Sơn dầu. 60x122cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
TRỌNG KIỆM (1934 – 1991) – Bến sông. Bột màu. 32x50cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội
HỘI HỌA HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG
Có một số họa sĩ hình thành nên phong cách hội họa của mình thông qua những hoàn cảnh sống và sáng tác đặc biệt. Và có thể nói Huỳnh Phương Đông là một trong những họa sĩ như thế.
Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn. Ông nổi tiếng qua hàng loạt tranh- ký họa về “Miền Nam Việt Nam: Đất nước Con người” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc đời ông dọc dài suốt từ Nam ra Bắc, khi hoạt động trong phong trào “Thanh niên Tiền Giang”, khi ở Sóc Trăng, ở Sài Gòn-Chợ Lớn, Cần Giuộc, Bình Xuyên, khi ở Hà Nội, ở R (Trung ương Cục miền Nam), từng làm nhân viên ban tuyên truyền, cán bộ ban xã hội, ban chính trị, trung đội trưởng (B7, Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 300), ban tuyên huấn, phòng tuyên huấn (với cấp bậc đại úy), và phụ trách Phòng Mỹ thuật Giải phóng những năm 1971-1975…
Huỳnh Phương Đông có biệt tài vẽ nên những cảnh tượng chiến trận ác liệt qua cái nhìn “nhè nhẹ”, với một bút pháp nhạy bén, linh động và lối cắt cảnh tự nhiên- kết quả của một quá trình sáng tác lâu dài ngoài mặt trận, nơi ông trải nghiệm hội họa bằng những phương tiện giải quyết nhanh như thuốc nước, phấn màu, chì than. Các tác phẩm của ông gần như bao giờ cũng gắn với những sự kiện lịch sử, những địa danh, những tên tuổi con người, dẫn người xem bước vào những không gian- thời gian xác thực tràn đầy cảm xúc, khiến họ bồi hồi trong cảm giác được sống cùng lịch sử hơn là chỉ nhớ lại nó.
Bút pháp ấy cũng rất thích hợp trong việc thể hiện cái nhìn tươi mới của ông trước những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống qua các tranh chân dung thiếu nữ, tĩnh vật, hoa hay thiếu nữ khỏa thân…
Năm 2007, Huỳnh Phương Đông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
F.A.M.
HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG (1925 – 2015) – Chiến khu. 2012. Sơn dầu. 100x130cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG (1925 – 2015) – Sắc màu hoa trái. 2002. Sơn dầu. 80x60cm Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG (1925 – 2015) – Cô gái Nam Bộ. 1974. Sơn dầu. 55x40cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
NGHỆ THUẬT VẼ CHÂN DUNG CỦA BÙI XUÂN PHÁI
Ở thời đại của ông, Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ vẽ nhiều chân dung nhất. Và có thể nói, qua nghệ thuật vẽ chân dung, chứ không phải qua phố cổ, chèo hay tranh khỏa thân- ông mới thực sự tiếp xúc với thời đại của mình. Vẽ chân dung đối với ông, cũng là một phương thức “để tự giữ mình” (đặc biệt tranh tự họa), gửi gắm ưu tư và duy trì nguồn cảm hứng trước thực tại cuộc sống. Sự sắc sảo trong cách nhìn con người của ông thực ra luôn luôn khởi phát từ con mắt của một họa sĩ vẽ “caricature” (biếm họa), và trên thực tế, ông cũng luôn luôn là một họa sĩ vẽ “caricature” giỏi, cho dù lắm khi người xem không hề nhận ra điều đó, vì nó thường ẩn quá sâu trong những phẩm chất mà ta vẫn quen gọi là cái duyên ở Bùi Xuân Phái. Ở thời kỳ cuối cùng, ông vẽ mọi thứ đều sáng lên, tương phản ít, mềm mại, ve vuốt, tâm trạng thanh thản của ông bộc lộ rất rõ. Nhiều người bảo ở thời kỳ này khó nhận ra tranh ông có lẽ vì chưa cảm thông được với tâm trạng ấy. Rốt cuộc, nếu đi vào hệ thống thì ông vẫn là ông ở bề sâu: Bùi Xuân Phái.
F.A.M.
BÙI XUÂN PHÁI (1920 – 1988) – Chân dung cô Liên. 1986. Sơn dầu. 33x26cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
DƯƠNG HƯỚNG MINH (1919 – 2008) – Thiên anh hùng ca chấn động địa cầu.2002. Sơn mài 90x120cm. Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh
DƯƠNG HƯỚNG MINH (1919 – 2008) – Trường Sơn. 1980 Chất liệu: Sơn mài. 90x120cm. Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Thành phố Hồ Chí Minh
Đây là hai trong loạt những bức tranh “đề tài” của Dương Hướng Minh: một vẽ về chiến thắng Điện Biên Phủ, một vẽ về Trường Sơn, thể hiện sự liên tục của hội họa ông đối với các chủ đề cách mạng- kháng chiến.
Ngay từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước, nghệ thuật của Dương Hướng Minh đã có những diễn biến lạ rất khác so với nhiều họa sĩ đương thời. Cùng một lúc ông có thể vẽ theo hai hướng khác hẳn nhau: hoặc là huyền thoại-trữ tình, nguyên sơ và hư ảo, hoặc là hiện thực xã hội với những khía cạnh sắc nhọn hiếm có. Và như mang tính chu kỳ, lối sáng tác ấy của ông lại trở lại vào những năm 1980-1990.
Điều đặc biệt ở đây, là bằng một phong cách, nhưng với hai bút pháp pha trộn giữa hội họa-đồ họa và trang trí, Dương Hướng Minh luôn luôn làm tốt được điều ông muốn. Qua tranh ông, huyền thoại gần như đã hóa thành hiện thực, và ngược lại, hiện thực như đã trở thành huyền thoại, giữa hiện thực và huyền thoại chỉ còn là một ranh giới phân chia tế nhị.
Sinh ra ở vùng đất cổ Hưng Yên, quê hương của Khởi nghĩa Bãi Sậy, thừa hưởng dòng máu nghĩa sĩ yêu nước, từng vào Nam ra Bắc và chiến đấu trên nhiều mặt trận, quân sự và văn hóa, khi bằng súng, khi bằng bút, khí chất nghệ sĩ và nghệ thuật của Dương Hướng Minh thực hào hùng. Ông thể hiện đề tài khá trực tiếp, nhưng với tình cảm chân thực, tranh của ông vẫn đầy sức lôi cuốn người xem.
F.A.M.
TRƯƠNG VĂN THANH (1918-?) – Phong cảnh xứ Bắc. Khoảng 1950. Sơn mài. 50x80cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội
Đến tận ngày hôm nay, tên tuổi Trương Văn Thanh vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ thú vị. Chỉ mới gần đây, Tạp chí Mỹ thuật mới biết được năm sinh của ông và cũng chỉ biết có thể ông mất vào thập niên 1980. Nhưng ai cũng biết rằng Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ đồng sáng lập Hãng sơn mài Thành Lễ lừng lẫy một thời vàng son. So với Nguyễn Thành Lễ thì Trương Văn Thanh sáng tác cá nhân nổi trội hơn bởi sau khi rời khỏi hãng thì ông tập trung nhiều hơn cho hội họa.
Đây là cảnh quan xứ Bắc xưa và có thể là cảnh chùa Thầy, bởi sự xuất hiện kiến trúc thủy đình và hai cây cầu có mái (Nhật tiên và Nguyệt tiên) đặc trưng phía xa. Qua bao năm tháng, bức tranh trở nên kỳ ảo, sâu thăm thẳm với gam màu đặc trưng của sơn mài cổ điển. Từng chi tiết được thể hiện kỹ lưỡng và khá tinh tế, làm toát ra chất cổ kính, rêu phong, vừa hoang sơ vừa ấm áp. Núi, mây cuồn cuộn trong ánh vàng son lộng lẫy khiến cho bức tranh trở nên mạnh mẽ, đậm chất tạo hình hiện đại…
F.A.M.
NGUYỄN HUYẾN (1915-1994) – Về đồng. 1974. Sơn mài. 105x180cm. Sưu tập Phạm Văn Thông, Hà Nội
NGUYỄN HUYẾN (1915-1994) – Ngư tảo. 1975. Sơn mài. 45x80cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội
SƠN MÀI NGUYỄN HUYẾN
Xung lực mạnh là một đặc tính dễ thấy của hội họa Nguyễn Huyến, đặc biệt trong tranh sơn mài. Ông vẽ hình bằng những nét sắc sảo, tương phản sáng tối thường đạt tới mức tối đa, khiến tranh ông thường có vẻ lộng lẫy như của nghệ thuật ba-rốc.
Cảm giác của ông về không gian cũng rất lạ, nó tuân theo những nguyên tắc được hình thành từ quá trình trải nghiệm chất liệu hơn là từ năng lực quan sát thiên nhiên, với nhiều hiệu quả thực-hư bất ngờ, đôi khi khá chông chênh, mà người xem cần phải vượt qua thói quen “thông thái” để tiếp cận và thưởng thức. Ở đây, xa hay gần, rộng hay hẹp, nhỏ hay to dường như hoàn toàn ước lệ, khó có thể đo được bằng thước đo, song lại khá chặt chẽ, chính xác về hiệu ứng tâm lý và cảm thụ.
Có nhiều ý kiến cho rằng: tranh sơn mài của Nguyễn Huyến mang nhiều yếu tố mỹ nghệ và thiên về các thao tác thủ công. Thực ra, đây cũng chính là cái riêng thú vị của nghệ thuật Nguyễn Huyến. Ông là một trong những họa sĩ sơn mài hiếm hoi chỉ vẽ sơn mài theo lối “thuần chỉ” mà vẫn có được một phong cách độc đáo. Tranh của ông từ lâu luôn luôn thu hút một số lượng đông đảo công chúng mến mộ.
Hai bức tranh: “Ngư tảo” và “Về đồng” giới thiệu ở đây là những tác phẩm điển hình nhất cho nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Huyến.
F.A.M.
TÔN THẤT ĐÀO (1910-1979) – Tấu trình. 1972. Lụa. 53x73cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Trong thời kỳ chiến tranh, một số họa sĩ sống ở miền Nam thường mượn những đề tài “cổ” để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm thành kính với lịch sử và truyền thống của dân tộc.
Đây là một bức tranh có đề tài khá lạ, mà nếu nói hơi quá lên- thì cũng là một thứ tuyên ngôn chính trị của người vẽ trước thời cuộc, phản ánh tâm nguyện của người dân trước “chốn công đường”, cho dù không biết cụ thể đấy là tâm nguyện gì.
Tác giả của bức tranh, họa sĩ nổi tiếng Tôn Thất Đào, có nhiều ưu thế khi đi vào những đề tài như thế này. Sống ở Cố đô Huế, lại từng được mệnh danh là “họa sĩ cung đình”, ông quen thuộc và am hiểu chữ Lễ dưới thời các triều đại phong kiến, từ tư tưởng, tinh thần đến các hình thức biểu hiện của nó trong thực tế đời sống chính trị, xã hội.
Bức tranh vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính phong tục mà cũng vừa mang tính sinh hoạt. Tài năng, sự chu đáo, cẩn trọng của người vẽ ở đây đã biến một hoạt cảnh giàu chất “sân khấu” thành một tác phẩm hội họa giàu chất tâm tình, một thứ vang bóng lấp lánh ánh thời đại in sâu vào tâm trí người xem.
F.A.M