NGUYỄN ĐỨC TOÀN (1929-2016)

Tác phẩm: Thiếu nữ

Năm sáng tác: 1988

Chất liệu: Lụa

Kích thước: 56x34cm

Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba người coi vẽ như nghề thứ hai, “cây vĩ cầm thứ hai” của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn.

Trên thực tế, cả ba ông đều đã tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Riêng Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha – cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.

Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.

…Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn hầu như chỉ chuyên tâm vào hội họa, vừa để thỏa lòng say mê, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều, rất nhiều và bằng đủ các chất liệu: sơn dầu, sơn mài, lụa, mực nho hay bột màu. Và hội họa của ông rất được hâm mộ.

Nếu nói về một nhạc sĩ-họa sĩ thì cũng nên nhắc lại: Một trong những phát hiện lớn nhất của nghệ thuật hiện đại là phát hiện về mối quan hệ giữa hội họa và âm nhạc. Sự thật, có một số nghệ sĩ chuyển từ âm nhạc sang hội họa đã trở thành những bậc thầy hội họa lớn tầm cỡ thế giới, đặc biệt trong hội họa trừu tượng.

Có thể nói, tranh của Nguyễn Đức Toàn cũng rất giàu tính nhạc, giàu tư duy giai điệu. Ông quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và con người luôn luôn bằng con mắt, thị hiếu, thẩm mỹ của một nhạc sĩ. Âm nhạc cũng tạo cho ông thói quen giữ khoảng cách cần thiết với sự thật, một năng lực “nghe” hình-màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Vả lại, kỹ năng nghề nghiệp của ông cũng đủ để giúp ông thể hiện tất cả những gì ông muốn…

Trong hội họa của Nguyễn Đức Toàn, tranh lụa là một mảng rất đáng chú ý, đặc biệt khi ông vẽ thiếu nữ. Ở đây, ông sử dụng nhiều yếu tố thực, rất hấp dẫn mà xét về hiệu quả thì lại rất “phi vật chất”, các thiếu nữ hiện ra với vẻ đầy đặn, quyến rũ mà thanh cao, rõ ràng như đang đứng giữa đời mà cũng tựa như trong giấc mộng đẹp. Với đề tài này, vẽ được như thế không phải họa sĩ nào cũng vẽ được.

F.A.M.