LÊ THỊ LỰU (1911 – 1988)

Tác phẩm: Chân dung thiếu nữ và hoa

Năm sáng tác: 1958

Chất liệu: Lụa

Kích thước: 39,5×29,5cm

Sưu tập Hàn Ngọc Vũ, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Tài, sắc, trở thành nữ họa sĩ Việt Nam đầu tiên năm 18 tuổi, danh tiếng Lê Thị Lựu như tỏa ánh hào quang trong nền mỹ thuật nước ta suốt gần 100 năm qua.

Thế giới hội họa của Lê Thị Lựu là thế giới của những hình tượng, những nhân vật, nơi người ta có thể gặp và yêu những đứa trẻ thơ, những thiếu nữ trẻ, những thiếu phụ, cũng có thể là chân dung một bà già hay một người đàn ông – mà bà đã từng vẽ. Họ có thể sống ở nông thôn, ở miền sơn cước, ở thành phố, ở Việt Nam, ở Pháp, ở châu Phi- mà qua nét vẽ của bà, họ đều hiện ra vô cùng hiền hòa, sinh động, cá tính đầy thần thái, với mẫu số chung: Đẹp!

Xa cách quê hương năm chưa tròn 30 tuổi, sống gần 50 năm trên đất Pháp cho đến khi mất, nhưng sự nghiệp hội họa của Lê Thị Lựu vẫn chủ yếu là tranh lụa. Khác với phong cách vẽ lụa của Lê Phổ, Mai Thứ hay Vũ Cao Đàm (những người bạn cùng sống ở Pháp), bà vẽ lụa bằng thị hiếu cổ điển, tôn trọng sự thật khách quan, luôn luôn cân bằng giữa tính hàn lâm và nhu cầu biểu hiện cảm xúc, thể hiện một cái nhìn đầy nhân ái, cảm thông, chia sẻ với con người, và vẽ ở nhiều tư cách: khi là một người chị, khi là một người mẹ, khi là một người bạn, và luôn luôn và bao giờ cũng là một phụ nữ mang dòng máu Việt Nam-Á Đông chảy trong huyết quản.

Chịu ảnh hưởng của phái ấn tượng và bậc thầy hậu ấn tượng Bonnard, Lê Thị Lựu làm “sáng” tranh mình bằng những điệu thức màu tươi tắn, rung rinh, từ đó phát ra một thứ ánh sáng có vẻ “tự nhiên” mà thực ra rất “chủ quan”, quả là một sự ảo diệu đầy âm vọng, xem mãi không chán.

Trong nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam, Lê Thị Lựu là một trong số ít họa sĩ, nếu không nói là họa sĩ triệt để nhất trong việc sử dụng phấn màu để vẽ lụa. Từ một kỹ thuật riêng biệt như vậy, phong cách hội họa của bà cũng trở nên riêng biệt, khó trộn lẫn với bất cứ ai.

F.A.M.